Giải pháp tài chính đồng bộ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Tài chính) Việc gia hạn, miễn, giảm thuế là hình thức hỗ trợ nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy các doanh nghiệp hồi sinh phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN)…
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu (hơn 90%) trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. DNNVV có vai trò quan trọng trong giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Hàng năm, DNNVV tạo thêm trên nửa triệu việc làm mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Số tiền thuế và phí mà các DNNVV nộp vào NSNN tăng gần 20 lần sau 10 năm. DNNVV đã tạo ra 40% cơ hội cho dân cư tham gia đầu tư, huy động các khoản tiền đang phân tán, nhàn rỗi trong dân cư để hình thành các khoản vốn đầu tư cho sản xuất - kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Mục tiêu phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015 là thành lập mới 350.000 doanh nghiệp và phấn đấu đến ngày 31/12/2015, cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn quốc; đầu tư của khu vực này chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp 40% GDP; 30% tổng thu NSNN; tạo thêm 3,5 - 4 triệu việc làm mới.
Để đạt được mục tiêu phát triển DNNVV như trên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh như: tập trung giải quyết vấn đề tồn kho, nợ xấu, bất động sản, cũng như xây dựng mục tiêu dài hạn, giải quyết đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng, sắp xếp phân bổ vốn hợp lý, đặc biệt là đầu tư công; sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN); sắp xếp lại hệ thống tài chính (trọng tâm là các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng). Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hệ thống thể chế và tập trung hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong đó có DNNVV.
Cụ thể như, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2013 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đây là những chính sách mới hỗ trợ về thuế, lãi suất tín dụng và nguồn vốn… khá toàn diện và cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.
Những quyết sách này góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dù trước mắt làm giảm nguồn thu cho NSNN, nhưng đây cũng chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận… và sẽ tác dụng trở lại góp phần tăng thu cho NSNN trong tương lai gần.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1231/QĐ-TTg ngày 07/09/2012 về việc Phê duyệt kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, Quyết định số 1231/QĐ-TTg đã đưa ra 8 nhóm giải pháp phát triển DNNVV gồm: (i) Hoàn thiện khung pháp lý về gia nhập, hoạt động và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp; (ii) Hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho DNNVV; (iii) Hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới trong các DNNVV; (iv) Phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV, tập trung vào nâng cao năng lực quản trị cho các DNNVV; (v) Đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, tăng cường tiếp cận đất đai cho các DNNVV; (vi) Cung cấp thông tin hỗ trợ DNNVV và xúc tiến mở rộng thị trường cho DNNVV; (vii) Xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp phát triển DNNVV; (viii) Quản lý thực hiện Kế hoạch phát triển DNNVV. Trong đó, tập trung ưu tiên vào những giải pháp cụ thể sau: Thành lập Quỹ hỗ trợ DNNVV; Đẩy mạnh các chương trình đổi mới ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, trang thiết bị, máy móc hiện đại…; Thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp; Thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV trong một số lĩnh vực; Thúc đẩy các liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành.
Ngày 21/5/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về giải quyết, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2015. Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chỉ đạo sâu sát, thực hiện có kết quả những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã đề ra; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; công khai và chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, nghề... bảo đảm sự đồng bộ về ngành nghề giữa sản xuất và dịch vụ, phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm; tạo lập liên kết ngành, vùng, giữa doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, phát triển bền vững; khẩn trương, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giải quyết và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phải báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trong thời hạn sớm nhất đưa Quỹ Phát triển DNNVV thành lập theo Quyết định số 601/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đi vào hoạt động, để tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV.
Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan trong việc điều phối và kết nối các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Trả lời chất vất của các đại biểu Quốc hội về các giải pháp tài chính giúp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong quý II/2014, Bộ Tài chính hoàn thiện hướng dẫn về ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN. Đồng thời, trong năm 2014, Bộ Tài chính trình Chính phủ giải pháp hỗ trợ thuế hoặc cơ chế thanh toán bù trừ đối với những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đang gặp khó khăn về vốn do nguyên nhân tồn kho, chưa được thanh quyết toán, giảm mức phạt chậm nộp thuế.
Để tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại thông qua cơ chế bảo lãnh tín dụng, ngày 22/4/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại. Ngày 29/4/2014, Bộ Tài chính cũng đã công khai Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tài chính của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV trên cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành Thông tư.
Bên cạnh đó, các giải pháp đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan cũng được Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện quyết liệt; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.
Có thể nói, nhờ có những giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực DNNVV, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ, tăng cả số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký hoạt động. Trong 4 tháng đầu năm 2014, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 143.408 tỷ đồng, tương đương mức tăng 8,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 16,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.
Đặc biệt, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi được hoạt động sản xuất - kinh doanh, điều này được thể hiện qua con số 5.863 doanh nghiệp vượt qua được tình trạng khó khăn, quay trở lại hoạt động trên thị trường.
Những số liệu tích cực nêu trên là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã đi vào thực tế cuộc sống.
Bích Ngọc - Thông tin tài chính số 13 kỳ 1 tháng 7/2014