Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá


Bài viết nghiên cứu về thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010–2020 trong mối quan hệ phát triển với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và cả nước. Bằng các phương pháp phân tích, thống kê, so sánh hệ thống cơ sở số liệu thứ cấp của tỉnh Thanh Hoá, bài viết đã chỉ ra những thành công và hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tại tỉnh Thanh Hoá. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp tài chính nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững đã được Đảng và Nhà xác định là con đường tất yếu để Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển. Với cơ cấu kinh tế ngành hợp lý, bền vững sẽ phát huy được tiềm năng và lợi thế của đất nước và của từng địa phương.

Trong những năm qua, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Cụ thể, cơ cấu kinh tế ngành của Tỉnh có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước; đồng thời, khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ trọng ngành công nghiệp tăng từ 36,3% năm 2010 lên 49,3% năm 2020 (cao hơn so với cả nước là 34,49%); Tỷ trọng ngành Dịch vụ giảm từ 36,9% năm 2010 xuống còn 31,4% năm 2020; Tỷ trọng ngành Nông nghiệp giảm mạnh từ 23,72 năm 2010 xuống còn 10% năm 2020 (cả nước là 13,1%).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành thời gian qua vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng và thế mạnh của Tỉnh. Do đó, việc phân tích, đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010-2020 là cơ sở để đề xuất các giải pháp tài chính, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tại Thanh Hoá giai đoạn 2010 - 2020

Ngành Nông nghiệp

Trong giai đoạn 2011-2020, ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Thanh Hoá phát triển tương đối ổn định với tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 2,95%. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 2,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 là 3,0%/năm. Giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2020 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 29.071 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2010. Cơ cấu giá trị sản xuất trong nội bộ ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch theo hướng tích cực; Tỷ trọng trồng trọt, chăn nuôi giảm từ 81,9% năm 2010 xuống còn 69% năm 2020; Lâm nghiệp tăng từ 3,6% lên 8%, thủy sản tăng từ 14,4% lên 23%. Trong đó, nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao từng bước được hình thành, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi tăng khá. Lâm nghiệp phát triển theo hướng xã hội hóa, chuyển từ khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên là chính sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Thuỷ sản có bước phát triển khá, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Tỉnh.

Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá - Ảnh 1

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá còn chậm; diện tích tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn chưa nhiều; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn; sản phẩm sau chế biến còn hạn chế, phần lớn là ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hoá.

Ngành Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Thanh Hóa tăng trưởng mạnh mẽ. Giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm đạt 17,2%; Trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 13,3%, giai đoạn 2016-2020 ước đạt 21,2%. Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 151.300 tỷ đồng, gấp 4,9 lần năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 16 cả nước. Một số ngành công nghiệp thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước như: Lọc dầu, xi măng, thép. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch phù hợp với định hướng phát triển của Tỉnh, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao, năm 2020, chiếm tỷ trọng 97,8% trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của Tỉnh (tăng 2,1% so với năm 2010); Lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm tỷ trọng 1,24% (giảm 0,04%); Lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải chiếm tỷ trọng 0,35% (giảm 0,15%); Lĩnh vực khai khoáng chiếm tỷ trọng 0,6% (giảm 1,91%). Thanh Hóa đã phát triển được một số sản phẩm công nghiệp mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Lọc hóa dầu, thép, điện mặt trời...

Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá - Ảnh 2

Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp còn những hạn chế như: Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp truyền thống còn thấp; Một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử…

Ngành Dịch vụ

Ngành Dịch vụ tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2010–2020 phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Giá trị sản xuất ngành Dịch vụ tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2011-2020 đạt 8,6% (trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,1%); Giá trị sản xuất năm 2020 đạt 60.348 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010. Tổng số lao động đang làm việc trong ngành Dịch vụ năm 2020 khoảng 650 nghìn người, gấp 1,5 lần so với năm 2010. Sự phát triển của các ngành Dịch vụ đã thu hút lực lượng lao động từ các địa phương khác trong khu vực đến làm việc, nhất là trong các lĩnh vực như: Du lịch, thương mại, vận tải…

Trong các ngành Dịch vụ, một số ngành đã có bước phát triển nhanh, gia tăng cả về quy mô lẫn chất lượng, nhất là các lĩnh vực du lịch, thương mại, xuất khẩu, vận tải... phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.

Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá - Ảnh 3

Ngành Dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhưng phát triển chưa mạnh, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu, vẫn tập trung chủ yếu là du lịch biển và phụ thuộc vào mùa vụ; khả năng kết nối các tour, các điểm du lịch trong và ngoài Tỉnh còn hạn chế. Xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng hóa gia công, sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Dịch vụ thương mại và vận tải chủ yếu phục vụ thị trường trong tỉnh, khả năng kết nối với thị trường bên ngoài chưa nhiều.

Những vấn đề đặt ra

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tỉnh Thanh hoá. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau: Chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố đầu vào; Một số dự án công nghiệp hiệu quả chưa cao, gây ô nhiễm môi trường; Phát triển các ngành dịch vụ chưa đa dạng, chất lượng và giá trị gia tăng chưa cao; Việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng các huyện miền núi, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hoạt động hợp tác liên kết vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng tựu chung là do: Một số đơn vị chưa thực sự chủ động và sáng tạo trong việc triển khai nhiệm vụ; Cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định và hấp dẫn; Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập; Chưa có cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý phù hợp với một tỉnh có nhiều tiềm năng như Thanh Hoá để tạo ra động lực phát triển mới; Định hướng phát triển các vùng kinh tế chưa rõ; Thiếu cơ chế hợp tác và liên kết vùng hiệu quả; Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; Chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá

Trong thời gian tới, để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn, du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần có chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển các ngành kinh tế trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp để tỉnh Thanh Hoá trở thành một cực tăng trưởng mới.Tiếp tục rà soát, xây dựng một số chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các lĩnh vực yêu cầu vốn đầu tư lớn như hạ tầng công nghiệp; nông nghiệp; dịch vụ có quy mô lớn tạo sức lan tỏa lâu dài đối với nền kinh tế. Có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của Tỉnh như công nghiệp nặng; công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.

Giải pháp tài chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng bền vững tại Thanh Hoá - Ảnh 4

Thứ hai, tăng cường đầu tư vốn từ NSNN cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền, các cực tăng trưởng, là cơ sở để tỉnh Thanh Hoá phát triển các ngành chiếm ưu thế, phát huy vai trò là một cực tăng trưởng mới. Các tuyến đường giao thông cần nhanh chóng hoàn thiện và khai thác như đường nối từ trung tâm thành phố Thanh Hoá đi Cảng hàng không Thọ Xuân và các huyện phía Tây của tỉnh; đường nối Quốc lộ 47B với Quốc lộ 45 đi Ninh Bình; đầu tư nâng cấp và mở rộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông kết nối giữa tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh Tây Bắc, nước bạn Lào…

Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục đối với các chính sách ưu đãi về thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất khẩu, nhập khẩu… để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế như: Đường giao thông, cảng biển, viễn thông, công nghệ thông tin… Đồng thời, tăng cường kỷ luật trong chi tiêu ngân sách, tránh lãng phí, tăng hiệu quả, giảm đầu tư dàn trải, chống thất thoát, gian lận thuế…

Thứ tư, cần có chính sách đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút các chuyên gia giỏi vào làm việc trong các ngành chủ lực của địa phương. Cần hoàn thiện và thực hiện hiệu quả một số chính sách ưu đãi, ưu tiên trong công tác thu hút nhân tài bằng các chế độ như bố trí nhà công vụ, tăng mức lương cũng như phụ cấp thoả đáng đối với các đối tượng này.

Thứ năm, tập trung đầu tư vốn để phát triển hạ tầng cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin. Có chính sách đột phá để thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao vào làm việc trong các ngành chủ lực của địa phương.

Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Chủ động đề xuất phương án, lĩnh vực hợp tác trên cơ sở tự nguyện, đôi bên cùng có lợi để mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhằm phát triển các ngành có lợi thế của địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 “về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 872/QĐ – TTg ngày 17/6/2015 về việc “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”;
  3. UBND tỉnh Thanh Hoá (2014), Quyết định số 4292/QĐ-UBND tỉnh Thanh Hoá ngày 5/12/2014 “Về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Thanh Hoá đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”;
  4. HĐND tỉnh Thanh Hoá, Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 tỉnh Thanh Hoá”;
  5. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hoá, Niên giám thống kê giai đoạn 2010 – 2020;
  6. Ngô Đình Giao (1994), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa nền kinh tế quốc dân, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội;
  7. Phạm Thị Khanh (2010), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững ở Việt Nam (Sách chuyên khảo), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

* ThS. Trần Anh Chung - Huyện uỷ huyện Quảng Xương, Thanh Hóa

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021