Giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Phước

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2020

Bài viết phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bình Phước trong giai đoạn 2010 - 2018 nhằm làm rõ vai trò quan trọng của vốn này đối với phát triển kinh tế của địa phương thông qua 3 chỉ tiêu: Ðóng góp lớn vào nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; Tạo động lực tăng trưởng GDP thông qua giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu; Góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người lao động tại tỉnh Bình Phước. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn FDI vào tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn vốn FDI đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Mặc dù, kết quả thu hút FDI của tỉnh Bình Phước còn khiêm tốn so với một số địa phương khác, nhưng đã có xu hướng tăng khá tốt so với những năm đầu thực hiện chính sách thu hút đầu tư.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, Bình Phước đã thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” đón các nhà đầu tư, trong đó, nguồn vốn FDI có ý nghĩa quan trọng. Để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển và thu hút nguồn vốn FDI, Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án giao thông trọng điểm. Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, nếu như năm 1997 toàn Tỉnh chỉ có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 20,58 triệu USD, thì tính đến đầu tháng 10/2019 đã có 224 dự án FDI đầu tư vào Tỉnh với số vốn giải ngân lên đến hơn 2,2 tỷ USD.

Nguồn vốn FDI đầu tư vào Bình Phước đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như: Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Braxin, Trung Quốc… Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu danh sách các quốc gia đầu tư với gần 70 dự án (bao gồm các dự án liên doanh), tổng số vốn đăng ký đạt 624 triệu USD (chiếm khoảng trên 43%/tổng số dự án và khoảng 45% tổng số vốn đăng ký mà tỉnh thu hút được). Các dự án FDI đã tác động đáng kể đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh như: Đóng góp trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu hàng năm, tạo việc làm cho trên 18.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển mạnh, tạo ra ngành công nghiệp mới như: may mặc, giày da, bao bì nhựa, phụ trợ ôtô... thúc đẩy các dịch vụ về vận chuyển, ăn uống, lưu trú phát triển và đã bắt đầu đóng góp đáng kể cho nguồn thu của Tỉnh.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc thu hút FDI của Bình Phước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và mong đợi của địa phương. Hiện nay, Tỉnh thu hút chưa nhiều dự án có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao, giá trị gia tăng, quy mô lớn. Chính vì vậy, cần thiết phải có chương trình, kế hoạch và chính sách thu hút đầu tư đồng bộ, toàn diện hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Tỉnh. Từ những vấn đề trên, nghiên cứu này đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút FDI phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.

Thực trạng thu hút FDI vào tỉnh Bình Phước

Tình hình thu hút vốn FDI giai đoạn 2010 - 2018

Vốn đầu tư của khu vực FDI luôn chiếm tỷ trọng khiêm tốn và khá ổn định trong tổng vốn đầu tư toàn Tỉnh. Nếu như 2010, thu hút vốn FDI đạt khoảng 448 tỷ đồng, chiếm hơn 5,5%, thì đến hết năm 2018, vốn FDI vào khoảng 1.792 tỷ đồng, cơ cấu vốn này gần như dao động ở mức 9% trong tổng vốn đầu tư toàn Tỉnh.

Về số dự án và tổng vốn đăng ký

Trong thời gian qua, Bình Phước đã có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thông qua việc đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp như: Chơn Thành, Minh Hưng, Đồng Xoài, Đồng Phú, Tân Khai… Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước và đào tạo lao động để phục vụ đầu tư. Tính đến hết năm 2018, tỉnh Bình Phước có 168 dự án FDI đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 1.631,69 triệu USD. Riêng năm 2018, tổng vốn FDI vào Bình Phước đạt hơn 348,71 triệu USD, kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn.

Quy mô doanh nghiệp FDI: riêng trong năm 2018, số lượng DN FDI chỉ chiếm khoảng 2,64% so với tổng số DN toàn Tỉnh là 1.854 DN. Tuy nhiên, xét về quy mô DN, loại hình này chiếm ưu thế hơn hẳn về số DN có quy mô lớn.

Cụ thể, trong tổng số 15 DN có quy mô trên 500 tỷ đồng thì có 6 DN FDI, chiếm 40%. Loại hình này cũng chiếm 21% trong tổng số DN có quy mô từ 50 - 500 tỷ đồng. Để có được kết quả này, Tỉnh đã có sự chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút và giữ chân nhà đầu tư thông qua việc đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng.

Về chỉ số phát triển vốn: Hiện nay, việc thu hút vốn FDI vào tỉnh Bình Phước luôn duy trì mức tăng trưởng cao và đồng đều qua các năm (Hình 3).

Giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Phước - Ảnh 1

Lĩnh vực đầu tư: Hiện nay, các dự án FDI đầu tư vào Bình Phước khá đa dạng, khai thác từ các thế mạnh kinh tế nông nghiệp của Tỉnh như: chế biến các sản phẩm nông, thủy sản đến khai thác nguồn lao động phục vụ các ngành công nghiệp (gia công giày, may mặc, túi xách, công nghiệp phụ trợ, điện, ôtô) và các ngành dịch vụ khác.

Vốn FDI của Bình Phước tập trung mạnh vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo với 146 dự án, có tổng vốn đăng ký là 1.530 triệu USD, chiếm 87% về số dự án và 93,8% về vốn đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10% số dự án. Một số ít dự án thuộc lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Về đối tác đầu tư: Hiện tại, có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư dự án FDI tại Bình Phước, đa số nhà đầu tư đến từ các quốc gia thuộc khu vực châu Á như: Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Âu khác như: Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan... Trong số các nước này, nếu tính về vốn đăng ký và cả số dự án, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư số 1 tại Bình Phước, tiếp đến là Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Samoa.

Về quy mô lao động: Cùng với sự tăng lên về số lượng dự án FDI, tỷ lệ lao động tham gia vào loại hình DN này cũng ngày càng tăng lên. Đặc biệt, từ năm 2014 và 2015 tỷ lệ lao động tham gia tăng nhanh, chiếm lần lượt 30% và 36%. Thực tế này cho thấy, sự tăng lên về các dự án sử dụng lao động lớn chủ yếu trong lĩnh vực lắp ráp và may mặc và chế biến nông sản với các đối tác như Hàn Quốc, Thái Lan.

So với các loại hình DN khác, quy mô lao động trong các DN có vốn FDI là rất lớn. Cụ thể, toàn Tỉnh có 4 DN với quy mô lao động trên 5.000 người thì tất cả đều thuộc về DN FDI. Với quy mô lao động từ 1.000 - 5.000 người, loại hình DN này cũng chiếm tới 40%. Ngoài lĩnh vực bán buôn và dịch vụ sử dụng số lượng lao động ít, một số DN FDI có quy mô nhỏ từ các nhà đầu tư Trung Quốc với ngành nghề chủ yếu là chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cao su, hạt điều cũng sử dụng số ít lao động (từ 10 - 200 người).

Những mặt tích cực đạt được

Với những nỗ lực trong thu hút vốn FDI vào phát triển kinh tế địa phương trong thời gian qua, có thể nói Bình Phước đã đạt được những thành tựu vượt trội: Số lượng dự án tăng qua các năm; Thu hút được một số dự án lớn; Tạo nhiều việc làm và cải thiện nguồn lao động… Có được những thành quả này là nhờ sự đóng góp của nhiều nhân tố, có thể kể đến đó là nhân tố kết cấu hạ tầng được cải thiện, công tác xúc tiến đầu tư chủ động và thực hiện cải cách thủ tục hành chính tích cực.

Những năm gần đây, chất lượng các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Bình Phước có chiều hướng tăng khi đã thu hút được một số dự án lớn (2 dự án trên 1.000 tỷ đồng), sử dụng công nghệ hiện đại (sản xuất linh kiện ô tô) và nhiều dự án sử dụng lao động lớn.

Giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Phước - Ảnh 2

Đến nay, khu vực có FDI đã tạo ra việc làm cho hơn 30% lao động toàn Tỉnh, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của một bộ phận trong cộng đồng dân cư. Sự hoạt động của DN FDI có tác động trực tiếp đến số lượng và chất lượng lao động, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng lao động và quản trị DN thông qua các hình thức đào tạo lao động trong chính các DN.

Mốt số tồn tại, hạn chế

Khảo sát cho thấy, tuy đã đạt được những kết quả khá quan trọng, song thu hút FDI vào Bình Phước vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:

Một là, thu hút FDI chưa tương xứng tiềm năng. Bình Phước có nhiều lợi thế về vị trí địa lý như gần TP. Hồ Chí Minh và giao thông đi lại ở các tỉnh lân cận cũng đã được rút ngắn thông qua các công trình cầu đường đã xây dựng tích cực trong thời gian qua. Mặt khác, Bình Phước cũng là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, thủy sản, như dừa, cacao, thủy sản… là nguồn cung cấp nguyên liệu cho các DN FDI đầu tư vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có và sự nỗ lực của các ngành chức năng, thu hút FDI vào tỉnh Bình Phước trong thời gian qua chưa thật sự tương xứng.

Hai là, nhiều dự án với máy móc thiết bị lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các DN FDI Bình Phước có quy mô vừa và nhỏ, đầu tư phân tán để khai thác thế mạnh về nguyên liệu sẵn có của Tỉnh là chính, nên ít quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là ở các DN chế biến dừa, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Rõ ràng, những hậu quả về môi trường sống khi ở các khu công nghiệp, nếu không được xem xét kỹ lưỡng khi quyết định cấp phép đầu tư sẽ làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.

Ba là, nguồn lao động của Tỉnh chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Tuy lực lượng lao động tham gia vào khu vực FDI ngày một tăng, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. Một số DN FDI của Bình Phước chủ yếu tận dụng nguồn lao động dồi dào với giá rẻ, đặc biệt là các DN chuyên về may mặc và gia công. Lực lượng lao động làm việc ở các công đoạn gia công, lắp ráp không có cơ hội nâng cao kỹ năng, tay nghề,  nên giá trị gia tăng tạo ra cho sự đầu tư dưới hình thức này không cao.

Bốn là, các dự án FDI đầu tư không đồng đều trong Tỉnh. Điều này gây ra sự phát triển không đồng đều giữa các huyện trong Tỉnh, đặc biệt là những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn.

Giải pháp khuyến nghị

Trên cơ sở kết quả thu hút đầu tư FDI, có thể rút ra một số giải pháp tỉnh Bình Phước cần tập trung trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần thực thi đầy đủ các chính sách của Trung ương kết hợp quan tâm triển khai chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của địa phương để thu hút và hỗ trợ DN. Trên cơ sở các chính sách theo quy định của Chính phủ, để thu hút các dự án FDI tiềm năng và theo định hướng quy hoạch của Tỉnh, cần thiết phải có các chính sách thu hút riêng và tạo sự khác biệt. Trong đó, cần có chính sách quy hoạch phát triển cụ thể các vùng chuyên canh các sản phẩm chủ lực như cao su, điều, hồ tiêu… nhằm đảm bảo tập trung về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu tiềm năng các doanh nghiệp.

Thứ hai, môi trường sống không bị ô nhiễm với hệ thống y tế tốt là các yếu tố được các nhà đầu tư rất quan tâm. Chính vì vậy, muốn cải thiện môi trường sống góp phần thu hút các nhà đầu tư FDI, Bình Phước cần kiên quyết không cấp phép cho những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, tập trung nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, cải thiện hệ thống vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực đầu tư nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.

Thứ ba, nguồn lao động phổ thông dồi dào được đào tạo nghề nghiệp cơ bản là yếu tố quan trọng trong thu hút FDI. Trong khi, đa số các doanh nghiệp FDI của tỉnh Bình Phước có nhu cầu lao động lớn, đặc biệt là các dự án về may mặc, lắp ráp… Vì vậy, tỉnh Bình Phước cần tập trung nâng cấp Trường Cao đẳng Bình Phước thành trường đại học, phát triển các cơ sở đào tạo đa nghề, đa cấp, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn lao động phổ thông qua đào tạo nghề cơ bản và đào tạo nguồn lao động kỹ thuật cao, quản lý tốt đáp ứng đa dạng về các ngành nghề cho doanh nghiệp.

Thứ tư, hệ thống giao thông, cầu, cảng, điện, nước, thông tin liên lạc, ngân hàng… đều ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, hoàn thiện hạ tầng cơ sở và từng bước nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, đặc biệt các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và cơ sở hạ tầng yếu kém là yếu tố quan trọng cần được tỉnh Bình Phước quan tâm trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp tin tưởng, yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh từ đó dễ dàng giới thiệu Bình Phước với các doanh nghiệp FDI tiềm năng khác.

Kết luận

FDI đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: Bổ sung nguồn vốn cho đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách... Để thúc đẩy thu hút FDI, tỉnh Bình Phước cần cải thiện cơ chế chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn thiện thông suốt. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao chất lượng và số lượng các trường dạy nghề, cũng như thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để có thể đáp ứng tốt yêu cầu của các DN.      

Tài liệu tham khảo:

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (2018), Kỷ yếu Hội nghị 30 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam;

Cục Thống kê tỉnh Bình Phước (2019), Niên giám Thống kê Bình Phước 2018;

UBND tỉnh Bình Phước, Báo cáo tổng kết 20 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Phước;

Phan Hữu Thắng (2016), Cơ hội và thách thức mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Tạp chí Tài chính kỳ 1, tháng 2/2016, trang 26 – 28;

Thanh Mảng, “Khởi sắc trong thu hút đầu tư FDI”, https://baobinhphuoc.com.vn/Content/khoi-sactrong-thu-hut-dau-tu-fdi-232316;

http://www.binhphuocinvest.gov.vn; http://skhdt.binhphuoc.gov.vn