Giành lại thế chủ động trong điều hành chính sách
Theo TS. Vũ Đình Ánh, các chính sách quan trọng về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam, chính sách lãi suất và tỷ giá cần phải giành lại thế chủ động để ứng phó với những áp lực từ bên ngoài.
Chạy đua lãi suất
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, quyết định tăng lãi suất điều hành mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là một quyết định tương đối bất ngờ.
Chỉ trong hai tháng chúng ta đã liên tục tăng lãi suất điều hành, trong khi suốt những quý đầu năm 2022, mặc dù trên thị trường thế giới có nhiều biến động, ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đưa ra các chính sách để tăng lãi suất, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định của lãi suất, bên cạnh đó là duy trì ổn định tỷ giá hối đoái. Vì vậy, đây là việc khá bất ngờ khi chúng ta liên tục tăng, nhất là mức tăng tương đối cao, mỗi lần tăng tới 100 điểm cơ bản. Nếu so sánh với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thì mỗi lần họ chỉ tăng 75 điểm cơ bản.
“Sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN, rất nhiều ngân hàng thương mại cũng đã liên tục tăng lãi suất huy động. Tôi có cảm giác hiện nay chúng ta đang sa vào cuộc đua lãi suất, với một phần nguyên nhân đến từ việc tăng lãi suất điều hành; và có một phần liên quan tới câu chuyện thực tại của các ngân hàng hiện nay.
Cuộc chạy đua lãi suất này có thể sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực khi tổng tiền vào hệ thống không tăng, mà chỉ là chuyển từ ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng này sang ngân hàng thương mại hay tổ chức tín dụng khác. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, sẽ ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính, thị trường tín dụng ngân hàng, cũng như nền kinh tế nói chung”, TS. Vũ Đình Ánh phân tích.
Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá trong hai tháng qua cũng vô cùng căng thẳng và có sự ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế. Về vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng, sức ép tỷ giá tương tự như câu chuyện điều chỉnh lãi suất vừa qua. Khi tỷ giá tăng lên, điều chúng ta lo ngại nhất chính là nhập khẩu lạm phát và trong chừng mực nhất định có thể gây ảnh hưởng đến vị thế của VND trên thị trường trong nước, gây khó khăn trong vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, kéo theo đó là áp lực lên chính sách lãi suất.
Đặc biệt, tỷ giá liên quan đến sự dịch chuyển của dòng vốn nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp mà lo ngại nhất là chúng ta cũng có khả năng sa vào cuộc chạy đua về giảm giá VND như ở các nước khác. Đây là áp lực từ bên ngoài, chưa phải áp lực nội tại của nền kinh tế.
Áp lực lãi suất cho vay
Một vấn đề cần chú ý nữa là lãi suất cho vay, việc tăng lãi suất hoàn toàn có thể xảy ra vì cuộc đua lãi suất huy động hiện nay chưa có điểm dừng. Trong khi nguyên tắc chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay thông thường dao động ở mức khoảng 3- 3,5%, thậm chí có thời điểm đến 4%. Do đó, với việc lãi suất huy động tiếp tục tăng, nhiều khả năng lãi suất cho vay cũng tiếp tục tăng theo, cộng thêm với mức 3,5 - 4% nữa thì việc tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ rất cao.
Tuy nhiên, các vấn đề còn phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố đó là: Thứ nhất, các yếu tố khách quan bên ngoài liên quan đến chính sách tiền tệ từ Fed và chính sách điều hành lãi suất của họ, kéo theo đó là chính sách của các ngân hàng trung ương khác. Thứ hai, cũng gắn với vấn đề lãi suất là xu thế tăng giá của đồng USD sẽ còn tiếp tục lên giá hay không. Tất cả những điều đó sẽ gây áp lực lên câu chuyện kiểm soát lạm phát của Mỹ cũng như rất nhiều nền kinh tế phát triển khác và theo đó sẽ tác động đến điều hành của Việt Nam.
“Từ nhiều yếu tố chưa chắc chắn như vậy, các chính sách quan trọng về điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là chính sách lãi suất và tỷ giá cần phải giành lại thế chủ động để ứng phó với những biến động và áp lực từ bên ngoài. Như vậy chúng ta mới có thể điều hành chính sách đảm bảo mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra chúng ta phải giải toả áp lực tâm lý. Ngay cả việc lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng hay việc áp lực tỷ giá tăng, đều có yếu tố tâm lý trong đó. Điển hình là kỳ vọng lạm phát và kỳ vọng về phá giá VND. Tất cả những vấn đề này đều cần có biện pháp kiểm soát tốt, không chỉ chú trọng vào yếu tố về kinh tế tài chính mà yếu tố về tâm lý và truyền thông cũng rất quan trọng”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nhận định, với những diễn biến gần đây thì quyết định có ảnh hưởng lớn đến thị trường là quyết định về trần lãi suất huy động của NHNN. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến thị trường một và nhìn rộng ra, mối quan hệ giữa thị trường một, thị trường hai sẽ ảnh hưởng đến thị trường vốn bao gồm cổ phiếu và trái phiếu.
“Mặc dù năng lực quản trị của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tốt từ sau năm 2011, tuy nhiên cuộc đua lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chính vì vậy, rủi ro thị trường, rủi ro về lãi suất sẽ vẫn tiếp tục khi tháng 11 tới đây chúng ta còn chứng kiến cuộc họp của Fed. Mọi người cũng đã nhận thấy rất rõ, nếu đầu tư thì phải quan sát các yếu tố vĩ mô không chỉ ở Việt Nam mà ở cả những nước khác, để tránh bị ảnh hưởng xấu đến túi tiền của mỗi người”, ông Tuấn chia sẻ.