Tổng cục Hải quan:

Giới thiệu về Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO

PV.

Ngày 29/1/2016, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo giới thiệu về Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO (TF). Hiệp định hứa hẹn sẽ tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.

Ngày 29/1/2016, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo giới thiệu về Hiệp định tạo thuận lợi thương mại WTO (TF). Hiệp định hứa hẹn sẽ tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.

Phát biểu tại buổi lễ họp báo ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan) cho biết: Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán chính thức từ năm 2008, trải qua hơn 50 phiên đàm phán chính thức và hàng trăm phiên làm việc nhóm, tổ, Hiệp định cơ bản được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali – Indonexia. Đến tháng 11/2014, tại cuộc họp Đại hội đồng tại Geneva, các nước đã thông qua Nghị định thư sửa đổi để đưa Hiệp định TF vào phụ lục 1A của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO. Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2947/QĐ-BTC ngày 12/11/2010 về thành lập Nhóm công tác liên bộ với thành phần gồm 21 cá nhân đại diện từ các bộ, ngành cơ quan có liên quan và Tổng cục Hải quan đảm trách vai trò Trưởng nhóm đàm phán.

Với vai trò chủ trì đàm phán Hiệp định, Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện thủ tục trình Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi tại phiên họp lần thứ 10 Quốc hội Khóa 13. Ngày 26/11/2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 108/2015/QH13 phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập WTO.

Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, ông toàn cho biết: Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994) có ba điều (điều 5, 8 và 10) chưa được cụ thể hóa bằng các văn kiện của WTO chính vì vậy WTO đã tiến hành đàm phán một văn kiện bổ sung có tên: Hiệp định TF để đưa Hiệp định vào phụ lục 1A của Hiệp định WTO. Hiệp định TF sẽ được đưa vào thực hiện thông qua Nghị định thư sửa đổi này.

Hiệp định TF đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế, do đó khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các cam kết liên quan đến tạo thuận lợi thương mại khác trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang và sẽ thực hiện như: Hiệp định FTA Asean, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định đối tác toàn diện khu vực…

Hiệp định TF bao gồm 3 phần chính với 24 điều:

Phần I: Quy định về các biện pháp kỹ thuậ, tập trung chủ yếu vào 4 nội dung chính: Tiếp cận thông tin và tính minh bạch; Quản lý các quy định pháp lý liên quan đến thương mại; Thông quan hải quan; Quá cảnh thương mại.

Phần II: Các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các quốc gia thành viên đang phát triển và kém phát triển trong đó có vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên đang và kém phát triển để thực hiện các cam kết của Hiệp định. Nhóm A là cam kết thực hiện ngay khi Hiệp định TF có hiệu lực; Nhóm B là các cam kết thực hiện ngay khi Hiệp định TF có hiệu lực; nhóm B là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị; và Nhóm C là các cam kết thực hiện sau một thời gian chuẩn bị và có sự hỗ trợ kỹ thuật.

Phần III: Các thỏa thuận thể chế và điều khoản cuối cùng. Thỏa thuận về thể chế quy định về việc thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại quốc gia. Các điều khoản cuối quy định cụ thể về hiệu lực của Hiệp định TF, nghĩa vụ của các nước Thành viên khi thực hiện Hiệp định TF, tính pháp lý của doanh sách cam kết Nhóm A, B, C; việc bảo lưu cũng như quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh.

Theo quy định tại Phần II của Hiệp định TF, 40 cam kết tại Phần I của Hiệp định trên cơ sở rà soát thực tiễn quản lý của Thành viên được phân thành 3 nhóm cam kết theo các tiêu chí quy định và kết quả cụ thể như sau:

- 15 cam kết Nhóm A (đã thông báo cho WTO tháng 7/2014 theo công hàm số 334/VNM.14 của Phái đoàn Việt Nam tại Geneva).

- Căn cứ vào quy định tại Phần II của Hiệp định TF và quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, 25 cam kết còn lại đang rà soát để phân loại vào các Nhóm B, C và thông báo cho WTO (một năm sau khi Hiệp định TF có hiệu lực).

Trên cơ sở đó, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chủ trì triển khai một số công việc chính sau:

Thứ nhất, rà soát các cam kết của Hiệp định chưa được quy định chi tiết trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất cụ thể về việc sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật hiện hành để đề xuất cụ thể về việc sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật để đảm bảo ban hành đầy đủ, kịp thời;

Thứ hai, xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định;

Thứ ba, phổ biến danh sách Nhóm A, nhóm cam kết thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực;

Thứ tư, tiến hành phân nhóm cam kết B, C và xây dựng lộ trình thực hiện theo quy định của Hiệp định TF (1 năm sau khi Hiệp định TF có hiệu lực);

Thứ năm, triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiệp định tới các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp và khuyến khích sự tham gia của tổ chức, cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Hiệp định.

Thứ sáu, thành lập một đầu mối chỉ đạo quốc gia để triển khai các nội dung tạo thuận lợi thương mại của Hiệp định TF và các văn kiện quốc tế liên quan khác trên cơ sở đầu mối đã có (dự kiến Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia).