Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn
Sáng ngày 6/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 8/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước...
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 8 nói riêng và cả trong 8 tháng vừa qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động với nhiều yếu tố bất lợi. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục giải quyết đồng thời nhiều nhiệm vụ: Xử lý các vấn đề tồn đọng trong nội tại nền kinh tế, các dự án thua lỗ, kéo dài quy mô lớn, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án kéo dài đội vốn...
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, yêu cầu của người dân ngày càng cao, cạnh tranh giữa các nền kinh tế gay gắt hơn; các vấn đề đột xuất nhiều hơn do thị trường thu hẹp, liên quan giá dầu, biến động tỷ giá, lạm phát…
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong 8 tháng qua, Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát (CPI 08 tháng tăng 2,58%); thúc đẩy tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn (gồm thu – chi ngân sách (thu ngân sách 08 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021), xuất – nhập khẩu (xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 498 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu 3,96 tỷ USD), lương thực – thực phẩm (xuất khẩu nông sản khoảng 36,3 tỷ USD), bảo đảm năng lượng, cung cầu lao động...
Đồng thời, quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tăng lên, trong đó điểm sáng là ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ, số khách du lịch nội địa 8 tháng qua bằng cả năm 2019 là trước năm dịch bệnh bùng phát.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, trong 8 tháng qua, bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế cần được khác phục như: giải ngân vốn đầu tư công, việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa được cải thiện nhiều; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ; các vấn đề giá cả, áp lực lạm phát, thị trường thu hẹp…
Tại phiên họp, thành viên của Chính phủ bàn thảo chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và tìm giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng một số nội dung quan trọng khác...
Số liệu báo cáo của Bộ Tài chính về giải ngân đầu tư công cho thấy, ước giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.
Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, nhìn chung, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp tục chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Tính đến ngày 2/9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình sơ bộ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: Các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng; Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7,4 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.