Góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay

PV.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức”. Hội thảo do Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Thanh toán (NHNN) đồng tổ chức tại Hà Nội.

Hội thảo hướng đến thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về thực tiễn phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, làm rõ những cơ hội, thách thức và rủi ro tiềm ẩn của hệ thống thanh toán này. Từ đó, đưa ra những giải pháp giám sát rủi ro và định hướng phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam thời gian tới.

Các tham luận tại Hội thảo đều cho rằng, thời gian qua, NHNN đã có những nỗ lực trong việc hoàn thiện và đồng bộ khuôn khổ pháp lý về thanh toán; hệ thống ngân hàng thương mại cũng không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, việc sử dụng các dịch vụ thanh toán bán lẻ mới ở mức độ cơ bản (thanh toán qua ATM, POS, internet banking, mobile banking chiếm tỷ trọng thấp, chưa đạt như kỳ vọng thị trường); giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công (nộp thuế, thanh toán hóa đơn điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục…) chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh số thanh toán.

Trên cơ sở nhận diện những cơ hội và thách thức, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể:

Một là, NHNN cần chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thanh toán theo xu hướng tập trung, hiệu quả, an toàn, thông suốt làm nền tảng cho các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;

Hai là, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý, có chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ;

Ba là, tăng cường năng lực thực hiện chức năng giám sát toàn diện các hệ thống thanh toán tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục tăng cường phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng thanh toán; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng.

Đặc biệt, cần chú trọng, chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giáo dục tài chính chongười dân về thanh toán điện tử, thanh toán bán lẻ nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về thanh toán điện tử và thói quen sử dụng tiền mặt hiện nay.

Đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của việc phát triển hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam, khi mà các đối tượng sử dụng từ hệ thống này là đại bộ phận người dân trong xã hội.