Gửi tiết kiệm kiểu nào lãi nhất?
(Tài chính) Trừ trường hợp có nhu cầu kinh doanh, đầu tư thì gửi không kỳ hạn hoặc dưới 3 tháng để linh hoạt đồng vốn, còn lại theo các chuyên gia, người dân nên dùng đồng tiền nhàn rỗi của mình gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao.
Vợ chồng chị Thu Hương (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) đều làm cho công ty nước ngoài, thu nhập bình quân khoảng 45 triệu đồng mỗi tháng (ông xã 30 triệu, chị 15 triệu). Hàng năm trừ các chi tiêu, anh chị để dành được khoảng 300 triệu.
Lúc này kinh doanh, mở công ty riêng, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng hay các kênh đầu tư khác đều khó khăn, rủi ro lại cao. "Hiện mình tính giữ tiền mặt, nhưng vẫn băn khoăn giữa việc nên gửi ngắn hạn hay dài hạn để vừa an toàn mà lại hưởng mức lãi suất cao nhất", chị Hương bộc bạch.
Trước băn khoăn này, một chuyên gia ngân hàng phân tích, nếu là trường hợp có ý định đầu tư vào các kênh khác như vàng, chứng khoán... khi thời điểm thích hợp thì nên gửi không kỳ hạn (lãi suất 1%) hoặc dưới 3 tháng (5,4-5,6%). Bởi lãi suất loại này tuy thấp hơn so với gửi dài hạn nhưng khi "thời điểm đầu tư đến", người gửi có thể dễ dàng rút tiền ra sử dụng, vừa không bỏ lỡ cơ hội đầu tư sinh lời, lại vừa không bị phạt rút trước hạn.Đây cũng là mối quan tâm của nhiều người có tiền nhàn rỗi, muốn đồng vốn sinh lời mức tốt nhất nhưng ngại rủi ro.
Với trường hợp không có dự định kinh doanh, làm ăn mà chỉ có nhu cầu gửi tiết kiệm thì nên chọn thời hạn dài và lĩnh lãi cuối kỳ. Bởi theo ông, hiện các ngân hàng đã được "bật đèn xanh" trong việc thiết lập đường cong lãi suất, tức kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng bị khống chế lãi không quá 6%, còn kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được tự do thỏa thuận mức hợp lý, có thể lên 7-8% mỗi năm nên khách sẽ có lợi khi gửi dài hạn.
Vị chuyên gia này tính toán, với số tiền 300 triệu của chị Thu Hương, nếu chỉ đơn thuần có nhu cầu tiết kiệm thì khi gửi kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất mà chị được hưởng chỉ tầm 5,6% một năm. Tính ra mỗi tháng chị nhận tiền lời chưa tới 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, cũng với số tiền này, chị gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ thì lãi suất sẽ dao động trên 7% một năm. Khi đó, số tiền lời của chị nhận trong mỗi tháng gần 1,8 triệu đồng (tức cao hơn gần 400.000 đồng mỗi tháng là số tiền rất đáng kể).
Riêng với tâm lý lo ngại gửi dài hạn chẳng may sau này lãi suất biến động tăng thì sẽ chịu thiệt, trong bối cảnh này dường như không còn hợp lý. Trước đây, việc người dân thích gửi ngắn hạn là vì họ hay mất niềm tin vào tiền đồng do lạm phát cao.
Còn giờ đây, theo TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, trong vòng 3 năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phần nào đã tạo ra được niềm tin cho người dân khi kiểm soát khá tốt lạm phát ở mức dưới 6%, tạo ổn định cho chính sách tiền tệ. Và khả năng thời gian tới lạm phát sẽ còn được kiểm soát ở mức thấp hơn nữa nên việc lãi suất tăng là điều rất khó xảy ra. "Với xu hướng lãi suất ngày càng giảm thì gửi dài hạn sẽ có lợi hơn", ông Ngân nói.
Ngoài ra, các chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, có một phương án chu toàn cho người gửi tiền nữa là phân số tiền ra làm hai khoản khác nhau. Một phần chiếm 1/3 đem gửi không kỳ hạn hoặc dưới 3 tháng để khi cần có thể rút ra sử dụng mà không lo gặp rắc rối như phạt rút trước hạn. 2/3 còn lại hoàn toàn yên tâm mang gửi dài hạn để hưởng lãi suất cao.