Hai đột phá mới của ngành Thuế

PV.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có nhiều cải cách mang tính đột phá nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Thực hiện hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc và thí điểm thanh tra thuế bằng phương pháp điện tử là hai đột phá mới nhất của ngành Thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Thực hiện hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc

Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nhiều ứng dụng điện tử đang được ngành Thuế triển khai như: hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; khai thuế điện tử thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cá nhân cho thuê nhà; nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy bằng phương thức điện tử…; công khai minh bạch quy trình, quy chế về quản lý thuế để người nộp thuế biết, theo dõi và giám sát; cắt giảm, đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính để người nộp thuế biết và thực hiện.

Bắt đầu từ 12/5/2017, ngành Thuế chính thức triển khai thực hiện hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc – đánh dấu một bước tiến mới trong hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính của Ngành.

Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử đối với cơ quan Thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Bộ Tài chính quyết định áp dụng từ tháng 5/2017.

Theo ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế đã báo cáo và trình Bộ Tài chính ban hành quyết định triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp (DN) đề nghị hoàn thuế GTGT xuất khẩu và các dự án đầu tư, đáp ứng đúng, đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định của Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế, có đăng ký và được cơ quan thuế chấp thuận thực hiện giao dịch điện tử theo quy định.

Để việc triển khai hoàn thuế điện tử diễn ra thuận lợi, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu, các cục thuế cần khẩn trương thực hiện ngay các công việc liên quan đến công tác triển khai hoàn thuế điện tử như: Thành lập các Ban chỉ đạo, Tổ triển khai, Nhóm hỗ trợ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, lựa chọn người nộp thuế tham gia thí điểm theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế.

Để thống nhất công tác triển khai, Tổng cục Thuế yêu cầu việc lựa chọn DN phải đáp ứng tiêu chí: Có lịch sử chấp hành tốt pháp luật về thuế nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng; đã thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; người nộp thuế thường xuyên có hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thuộc trường hợp hoàn xuất khẩu, hoàn dự án đầu tư theo tháng, quý và nhận tiền hoàn trả qua tài khoản ngân hàng đã đăng ký với cơ quan thuế…

Thí điểm thanh tra thuế bằng phương pháp điện tử

Cùng với việc thí điểm hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử có xác thực, khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà…, ngành Thuế cũng đang tiến hành thí điểm thanh tra, kiểm tra thuế bằng phương thức điện tử. Trong giai đoạn từ năm 2014-2016, cơ quan thuế đã chuyển cơ quan công an tổng cộng 690 vụ vi phạm pháp luật về thuế, 305 vụ có dấu hiệu trốn thuế.

Cơ quan công an đã điều tra xử lý hình sự 67 vụ, khởi tố điều tra 70 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

Dù vậy theo đại diện cơ quan thuế, con số này là rất thấp so với thực tế. Cơ chế tự khai tự nộp thuế đã góp phần thúc đẩy việc nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng một số DN lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế chính sách để vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế, gian lận thuế gây thất thu ngân sách nhà nước (NSNN). 

Mới đây, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế phải tiến hành thanh tra ít nhất 18% số DN đang hoạt động, 100% hồ sơ hoàn thuế được thanh, kiểm tra. Việc thanh, kiểm tra thực hiện theo phương pháp rủi ro, tập trung vào những DN có dấu hiệu rủi ro về thuế.

Cục Thuế TP. Hà Nội đơn vị tiên phong đi đầu trong thực hiện thí điểm việc thanh, kiểm tra bằng phương thức điện tử. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Mạnh thì “bằng việc kiểm tra các thông tin về DN trên hệ thống dữ liệu, cơ quan thuế (CQT) có thể biết được tình hình “sức khỏe” của DN, tình hình sản xuất, kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế… Với việc phân tích các dữ liệu này, nếu có dấu hiệu rủi ro về thuế, việc đầu tiên là cơ quan thuế sẽ gửi thư ngỏ, đề nghị DN rà soát, khai thuế lại theo đúng tình hình thực tế.

Nếu DN không khai báo lại, cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra theo quy định…”.

 Là địa phương tiên phong thí điểm thanh tra, kiểm tra thuế điện tử, để tránh những sai sót và tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế, Cục Thuế  TP. Hà Nội cũng thực hiện tốt quy chế kiểm tra, giám sát đối với công tác thanh, kiểm tra bằng “Quy chế giám sát đoàn thanh tra, kiểm tra”, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thanh tra để giám sát theo từng khâu của công tác thanh tra, kiểm tra.

Cục Thuế cùng công khai số điện thoại đường dây tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi tiêu cực của cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế… Việc đưa ứng dụng  công nghệ thông tin vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế là một bước tiếp theo trong việc điện tử hóa các quy trình thủ tục thuế, hiện đại hóa ngành Thuế giai đoạn tới, cũng như đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 19 của Chính phủ về tiếp tục giảm giờ nộp thuế xuống còn 110 giờ/năm vào năm 2020.

Trước mắt, Tổng cục Thuế tiến hành thí điểm kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT tại trụ sở cơ quan thuế bằng công nghệ thông tin tại hai cục thuế là Hà Nội và Bắc Ninh. Sau khi tổ chức thí điểm, Tổng cục Thuế sẽ sơ kết, đánh giá kết quả, từ đó hoàn thiện bộ chỉ tiêu và quy trình kiểm tra hồ sơ khai thuế GTGT để triển khai thực hiện toàn Ngành. 

Đến nay, cả nước đã có trên 585 nghìn DN thực hiện khai thuế điện tử (đạt tỷ lệ 99,8 %); đã có trên 576 nghìn DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 98,3%) và trên 568 nghìn DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng (đạt tỷ lệ 96,9%); đã cắt giảm 85 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế so với năm 2015.