Hải Phòng: Phổ biến kiến thức về TCVN ISO 18091:2020 tại địa phương
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị “Phổ biến kiến thức về TCVN ISO 18091:2020 - Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương” cho đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn Thành phố.
Hội nghị này nhằm triển khai Chương trình phối hợp số 03/CTPH-BKHCN-UBND giữa Bộ KH&CN và UBND TP. Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân Thành phố giao về nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch, dự trù kinh phí để tổ chức thí điểm áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 18091:2020 tại một số quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố.
TP. Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 vào hoạt động của chính quyền địa phương. Kết quả áp dụng thí điểm địa phương này sẽ là căn cứ để Bộ KH&CN nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó, việc áp dụng thí điểm TCVN ISO 18091:2020 được triển khai tại 3 quận, 3 huyện và 3 phường, 3 xã trên địa bàn thành phố từ năm 2022 – 2023.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe cán bộ, chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trao đổi, phổ biến các nội dung thực hiện TCVN ISO 18091:2020 thông qua.
Các chuyên đề được phổ biến gồm: Tổng quan chung về áp dụng, duy trì cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương; Giới thiệu tổng quan về TCVN ISO 18091:2020 và trình tự áp dụng tiêu chuẩn tại chính quyền địa phương; Hướng dẫn phương pháp thực hiện tự đánh giá quản lý chất lượng toàn diện theo 39 chỉ số cho chính quyền địa phương.
TCVN ISO 18091:2020 được Bộ KH&CN công bố ngày 31/12/2020. Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 mang lại sự phát triển bền vững cho chính quyền địa phương thông qua 4 trụ cột (xây dựng thể chế; phát triển kinh tế bền vững; phát triển xã hội toàn diện; phát triển môi trường bền vững) với 39 chỉ số.
Tiêu chuẩn được ban hành giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015, đáp ứng nhu cầu của công dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, nhằm phát triển cộng đồng địa phương bền vững, có trách nhiệm xã hội, duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền.