Hải quan Bình Dương phát huy hiệu quả công tác hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại

HQBD

Bằng những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động từ cải cách thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến, đến kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Cục Hải quan Bình Dương đã và đang đồng hành, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục duy trì các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn
Năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục duy trì các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn

Thông quan nhanh hàng hóa

Là điểm sáng của ngành Hải quan trong công tác cải cách, hiện đại hóa hoạt động xuất nhập khẩu, năm 2023, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục duy trì các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn. Qua đó góp phần nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào chính sách, pháp luật thuế và công tác quản lý thuế, giúp cơ quan Hải quan hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách được giao.

Hiện hầu hết khâu nghiệp vụ tại Cục Hải quan Bình Dương đã được tin học hóa; toàn bộ các quy trình thủ tục, tương tác, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp đều được thực hiện trên môi trường mạng 24/7; áp dụng hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS kết hợp Cơ chế một cửa quốc gia và các chương trình ứng dụng trong hoạt động quản lý tại các địa điểm làm thủ tục hải quan thuộc Cục Hải quan Bình Dương.

Việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1-3 giây.

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Dương tiếp tục triển khai có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến trên website Tổng cục Hải quan. Lũy kế từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 8.000 hồ sơ của doanh nghiệp được đơn vị tiếp nhận giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Việc áp dụng kiểm tra hàng hóa qua máy soi đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hoạt động XNK trên địa bàn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có lượng hàng hoá XNK lớn. Công tác này đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí xếp/dỡ, nâng cao tính tuân thủ pháp luật, phát hiện kịp thời các sai phạm và chống buôn lậu gian lận thương mại hiệu quả.

Trong quý I/2023, 3 địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung thuộc Chi cục Hải quan Quản lý hàng hóa XNK ngoài KCN, ICD Tân Cảng - Sóng Thần đã thực hiện soi chiếu được 2.803 container thuộc 1.253 tờ khai của doanh nghiệp.

Ngày 4/5/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 707/QĐ-TCHQ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Quyết định này, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã xây dựng dự thảo Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa đến năm 2025; mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Cục Hải quan Bình Dương đến năm 2025 hiện đại, cơ bản hoàn thành Hải quan số theo định hướng của ngành Hải quan, tạo nền tảng xây dựng Hải quan thông minh.

Để cụ thể hóa mục tiêu chung, đơn vị đã đưa ra 6 mục tiêu cụ thể. Trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu liên quan đến việc triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động quản lý điều hành ngành Hải quan, tiến tới xây dựng Cục Hải quan Bình Dương trở thành đơn vị đi đầu trong công tác cải cách về chuyển đổi số so với các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, mới đây, Cục Hải quan Bình Dương đã đưa vào hoạt động thử nghiệm làm thủ tục XNK hàng hóa qua dịch vụ chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp tại địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh của Công ty cổ phần Tân Cảng Express (địa chỉ số 7/20 đường ĐT 743, khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) được Tổng cục Hải quan công nhận ngày 12/8/2022.

Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho biết, việc triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh là loại hình mới trên địa bàn tỉnh. Nếu trước đây XNK hàng hoá trên địa bàn Bình Dương chủ yếu là qua đường biển và trung chuyển đi các cửa khẩu đường bộ đến các tỉnh khu vực phía Nam thì hiện nay doanh nghiệp có thể làm thủ tục hải quan cho hàng hóa chuyển phát nhanh ngay tại Bình Dương với hệ thống kho hàng không xuyên biên giới.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh phát triển và trưởng thành, tạo sự đột phá trong việc phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa loại hình XNK hàng hóa, góp phần hình thành trung tâm logistics lớn của vùng, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Việc triển khai chuyển phát nhanh góp phần vào công tác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đa dạng hóa dịch vụ cung ứng hàng hóa, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc giao nhận hàng hóa XNK. Góp phần giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp vì có thể thực hiện ngay trên địa bàn thay vì trước đây phải thực hiện thủ tục tại các địa phương khác.

Ngoài ra, với địa bàn quản lý về hải quan có số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất chiếm hơn 80%, Cục Hải quan Bình Dương đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất trong mô hình Hải quan số.

Trong đó có các ứng dụng công nghệ thông tin tích hợp thông minh, tập trung ứng dụng các thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Xây dựng mô hình kiến trúc phần cứng công nghệ thông tin ngành Hải quan theo mô hình điện toán đám mây; Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) nhằm thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu có cấu trúc, phi cấu trúc, bán cấu trúc từ nhiều nguồn khác nhau liên quan đến hoạt động nghiệp vụ quản lý nhà nước về Hải quan…

Ngoài ra, Cục Hải quan Bình Dương cũng đề xuất xây dựng phần mềm quản lý doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất dựa trên cơ sở kết nối, cung cấp thông tin giữa cơ quan Hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, tất cả các thông tin do doanh nghiệp cung cấp sẽ được hệ thống tiếp nhận, xử lý, phân tích, đánh giá thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ 4.0 để đưa ra các thông tin cảnh báo, hỗ trợ người sử dụng ra quyết định tại các bước nghiệp vụ có liên quan.