Hải quan gặp khó với quy định tạm nhập, tái xuất
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh tạm nhập tái xuất là hoạt động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn lậu, gian lận thương mại, gây tồn đọng lớn hàng hoá, nhất là hàng cấm, nguy hại tới môi trường. Trong khi đó, hoạt động quản lý của hải quan còn gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định hiện hành về tạm nhập tái xuất.
Khó phát hiện vi phạm
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, thời gian qua, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, đặc biệt là hoạt động tái xuất qua cửa khẩu biên giới phía Bắc đang thực hiện không theo đúng bản chất của Luật Thương mại, tức là hàng hóa chỉ được phép “tạm nhập” vào Việt Nam, sau đó phải “xuất khẩu” sang nước khác, chứ không được tiêu thụ ở nội địa.
Thế nhưng trên thực tế, các chủ hàng thường dùng thủ đoạn “ngụy trang” cho hàng lậu, trà trộn vào các lô hàng rác thải, phế liệu, than củi, vỏ sò; nhét hàng lậu ở đáy container; khai báo các loại mặt hàng có hình dáng kích thước “tương tự hàng lậu” để qua mặt hải quan; xuất xứ của lô hàng cũng bị khai không chính xác, nhằm đánh lạc hướng điều tra của bộ phận phòng chống buôn lậu. Điều này đã làm phát sinh nhiều vấn đề trong công tác quản lý.
Hiện cơ quan hải quan đang quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất về cơ bản tương tự như đối với các loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thương mại khác. Do vậy, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được thực hiện kiểm tra theo chế độ quản lý rủi ro và dựa trên cơ sở các nguồn thông tin thu thập tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất của Bộ Công thương do Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy, việc kiểm tra xác suất “luồng đỏ” với hàng hóa tạm nhập, tái xuất chiếm tỷ lệ rất thấp, có đơn vị không có container phải kiểm tra.
Thực tế, hàng tạm nhập tái xuất thường được đi qua “luồng xanh” nên kể cả những mặt hàng rủi ro cao cũng không ít bị kiểm soát trực tiếp như hàng rơi vào “luồng đỏ”. Do đó không hiếm trường hợp hàng hóa này khai là hàng hóa khác vẫn “qua ải”.
Bên cạnh đó, thay vì hàng hóa phải giữ nguyên trạng (theo đúng bản chất của kinh doanh tạm nhập tái xuất), các doanh nghiệp thường chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển khi tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa và do lực lượng quản lý còn mỏng nên việc kiểm tra được hàng hóa thực tế còn gặp khó khăn.
Hơn nữa, theo Nghị định 187/2013/NĐ - CP thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài, dù thời gian hàng hóa tạm nhập tái xuất được lưu giữ tại Việt Nam đã giảm từ 180 ngày xuống 60 ngày, nhưng thời hạn lưu giữ như vậy vẫn dài, trong khi đó, các doanh nghiệp lại được phép đưa hàng ra khỏi khu vực kiểm soát hải quan và tự chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hóa trong thời gian lưu giữ. Đây là khoảng trống để doanh nghiệp lợi dụng vi phạm .
Vướng quy định pháp luật
Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật cũng gây khó khăn cho cơ quan hải quan khi kiểm tra, giám sát hoạt động này.
Cụ thể Thông tư 05/2014/TT – BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp là “nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng”.
Tuy nhiên, theo Luật Hải quan 2014 thì cơ quan hải quan lại có trách nhiệm giám sát hải quan đối với hàng hóa từ khi tạm nhập cho đến khi tái xuất hết khỏi Việt Nam.
Do vậy, sau khi hàng hóa làm thủ tục tạm nhập vào Việt Nam; đã hoặc chưa làm thủ tục tái xuất đang được lưu giữ tại cảng, cửa khẩu thì cơ quan hải quan phải chịu trách nhiệm giám sát hải quan cho đến khi hàng hóa được tái xuất hết.
“Thông tư 05 giao Bộ Công thương chỉ đạo việc giải tỏa hàng hóa khi có ách tắc sẽ dẫn đến chồng chéo, không bảo đảm giám sát hải quan đối với hàng hóa đang lưu giữ tại Việt Nam” – một chuyên gia cho biết.
Thực tế vì những quy định chồng chéo này nên quá trình vận chuyển tái xuất thường không có đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát, nhiều doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng đó để nhập khẩu một lượng hàng lớn sau đó bán tiêu thụ nội địa rồi bỏ trốn hoặc tự giải thể doanh nghiệp.
Cũng có trường hợp sau khi tiêu thụ nội địa, họ khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian nộp thuế hoặc trốn thuế. Thực tế, kết quả kiểm tra tại Công ty thép Vạn Thành vừa qua cho thấy, do không chịu sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền, công ty này đã chuyển tiêu thụ nội địa (không tái xuất) hơn 5.824 tấn hàng tạm nhập, tái xuất với giá trị hơn 3,9 triệu USD.
Tương tự, kiểm tra tại một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng phát hiện tình trạng doanh nghiệp trốn tái xuất số dầu lên tới hơn 1.724 tấn và trốn thuế nhập khẩu, thuế VAT lên tới 3,9 tỷ đồng.
Đáng nói là tới thời điểm hiện nay, Bộ Công thương thiếu văn bản bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động tạm nhập tái xuất theo hướng tăng nặng; thiếu văn bản yêu cầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan báo cáo tình trạng vi phạm, kết quả kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và thu hồi mã số kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.