Một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Hải quan, nâng cao hiệu quả tổ chức và thực thi Luật Hải quan 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan với nhiều nội dung mới cần quan tâm.
Nghị định 45/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016. Đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, sự ra đời của Nghị định 45/2016/NĐ-CP mang lại nhiều nội dung mới liên quan đến các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả có thế được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan.
Tại Điều 4 Nghị định này nêu rõ: Quy định cụ thể các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả có thế được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính. Trong đó bao gồm: phạt cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Nội dung này đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên, việc bổ sung này giúp cho việc áp dụng được thuận lợi, tránh tra cứu nhiều văn bản và phù hợp với yêu cầu của Điều 2 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013.
Bên cạnh đó, phần hành vi vi phạm và chế tài xử phạt Nghị định vẫn giữ nguyên bố cục và nội dung như Nghị định số 127/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên có bổ sung quy định xử phạt đối với kho, bãi, cảng…
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số hành vi vi phạm hành chính, tăng mức phạt tiền đối với hầu hết các hành vi vi phạm để tăng hiệu quả răn đe, phòng ngừa; sửa đổi một số định danh hành vi vi phạm và loại bỏ một số hành vi không còn phủ hợp với quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Một nội dung quan trọng được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Hải quan cần lưu ý đó là, mức phạt bằng 10% số thuế thiếu hoặc số thuế được miễn, giảm, không thu thuế, được hoàn thuế cao hơn so với quy định của pháp luật về thuế áp dụng đối với hành vi không khai hoặc khai sai về tên hàng hóa, chủng loại, số lượng, khối lượng, mức thuế, xuất xứ hàng hóa... trong quá trình làm thủ tục hải quan nhưng người nộp thuế đã tự phát hiện và khai bổ sung sau thời điểm cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ và trước thời điểm thông quan hàng hóa.
Đặc biệt, đối với mức phạt bằng 20% số thuế thiếu hoặc số thuế được miễn, giảm, không thu cao hơn so với quy định của pháp luật đối với việc quản lý nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công, sản phẩm xuất khẩu, chế xuất dẫn đến hàng hóa thực tế tồn kho thiếu so với chứng từ, sổ sách kế toán, hồ sơ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không thuộc các trường hợp gian lận, trốn thuế.
Đại diện Tổng cục Hải quan đánh giá, xử phạt vi phạm hành chính nói chung và xử phạt vi phạm hành chính về hải quan nói riêng là công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan;
Đồng thời, đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng trong thực hiện việc đánh giá, phân loại doanh nghiệp làm tiêu chí áp dụng các chế độ ưu đãi thủ tục hải quan, phân luồng hàng hoá khi thực hiện thủ tục hải quan, góp phần cải cách thủ tục hành chính về hải quan, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Hải quan thuộc VCCI, Luật Hải quan sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi… là hai trong rất nhiều các điều luật đang được Chính phủ Việt Nam thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Đức Dũng nhấn mạnh, việc thay đổi các điều luật trong bối cảnh hiện nay, không chỉ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, mà còn là giúp các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hơn trong quá trình hoạt động, kinh doanh.