Hải quan Hồ Chí Minh Tiếp tục đột phá, tạo thuận lợi cho thương mại

Theo baohaiquan.vn

Năm 2017, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu thu ngân sách 109.000 tỷ đồng. Để hoàn thành chỉ tiêu này, trong các giải pháp trọng tâm năm nay, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có những bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Công chức Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: PV..
Công chức Hải quan TP.Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. Nguồn: PV..

Chủ động hỗ trợ nhóm 300 doanh nghiệp lớn

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh xác định, năm 2017 là năm doanh nghiệp khởi nghiệp, cần chủ động, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn trong cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ công chức Hải quan tại đơn vị về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về Thuế số 106/2016/QH13, các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn để doanh nghiệp biết đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ mà luật pháp đã quy định, kết hợp với việc đối thoại để giải quyết kịp thời các vướng mắc.

Cục cũng tiếp tục tạo thuận lợi, thông thoáng tối đa cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan nhưng chặt chẽ về mặt thủ tục, chống phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong nội bộ để nuôi dưỡng nguồn thu. Từng đơn vị thường xuyên lên kế hoạch làm việc với từng doanh nghiệp để nắm bắt kế hoạch sản xuất, kinh doanh; lắng nghe những khó khăn để tháo gỡ ngay các vướng mắc nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động XNK của cộng đồng DN.

Tổ chức rà soát, bổ sung danh sách 300 doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật Hải quan (chiếm 80% tổng số thu NSNN của Cục Hải quan), đồng thời đưa ra khỏi danh sách những doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng để gian lận, vi phạm pháp luật hải quan. Tổ chức đánh giá rủi ro, quản lý chặt 500 doanh nghiệp có độ rủi ro cao để tổ chức kiểm tra toàn diện: Mã số, xuất xứ, tham vấn, ấn định thuế ngay trong khâu thông quan.

Tiếp tục rà soát, công khai minh bạch các thủ tục hành chính, giảm lượng chứng từ trong hồ sơ; giảm thời gian và chi phí thông quan cho doanh nghiệp. Kiến nghị đẩy mạnh ứng dụng CNTT sâu, rộng trong lĩnh vực thủ tục hải quan, trọng tâm là hiệu quả hệ thống VNACCS/VCIS, thực hiện khai báo điện tử, thanh toán điện tử, cấp phép tự động, C/O điện tử, lược khai điện tử, phát huy các tính năng tự động hóa hơn nữa, hỗ trợ cho việc giảm thời gian thông quan hàng hóa XNK…

Giám sát chặt 10 nhóm hàng trọng điểm

Ngoài việc tạo thuận lợi cho DN, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh sẽ thực hiện kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế 10 nhóm hàng trọng điểm, trong đó có 9 nhóm hàng tại công văn số 11911/TCHQ-TXNK và 1 nhóm ôtô tại công văn số 16875/BTC-PC của Bộ Tài chính. Các nhóm hàng này phải được tổ chức tham vấn ngay, bác bỏ giá khai báo, ấn định thuế và yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế trong khâu thông quan.

Để tránh tình trạng DN không thực hiện tham vấn, tránh kiểm tra sau thông quan khi cơ quan Hải quan có nghi vấn, các chi cục kiên quyết xử lý các DN xếp hạng 1 đến hạng 5 (chấp hành tốt pháp luật) nếu cố tình không đến tham vấn hoặc không thực hiện quyết định kiểm tra sau thông quan của cơ quan Hải quan.

Tiếp tục triển khai hiệu quả tham vấn nhanh doanh nghiệp hạng 6, hạng 7 theo nội dung chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 10773/TCHQ-TXNK. Đối với việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Hải quan, phải xử lý 100% tờ khai có nghi vấn. Phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời thông tin doanh nghiệp, mức giá xác định, mã số điều chỉnh cho Chi cục Kiểm tra sau thông quan để xử lý tiếp.

Riêng đối với nhóm hàng ôtô nhập khẩu (trừ ô tô tải và ôtô container), theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan trong hồ sơ bắt buộc phải có C/O và giấy xác nhận VIN. Việc xác định trị giá khi tham vấn rất phức tạp (từ khâu kiểm tra hồ sơ, khâu kiểm hóa, đến khâu tham vấn, ấn định thuế), đòi hỏi trình độ nhất định của công chức Hải quan và lãnh đạo phụ trách.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị không làm qua loa, sai quy định dẫn đến sai phạm và thất thu NSNN. Kiên quyết và phấn đấu không để nợ thuế phát sinh từ nghiệp vụ tham vấn giá tính thuế.

Về chống gian lận qua giá, lượng, C/O, theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, năm 2016, gian lận thương mại tuy có giảm về số vụ (giảm 23%) nhưng trị giá tăng cao (589 tỷ đồng trị giá hàng vi phạm, tăng 431% so với năm 2015).

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2017 các Chi cục Hải quan chỉ đạo kiểm tra nghiêm túc khai báo của DN, nếu tên hàng không đầy đủ, không thỏa mãn khái niệm và quy định tại danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải yêu cầu DN khai bổ sung; Đơn vị tính phải rõ ràng: Cái, chiếc, trọng lượng, dung tích, hàm lượng…

Chủ động rà soát, phối hợp các lực lượng để nắm thông tin nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp gian lận thương mại: Xuất - nhập khẩu hàng cấm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;  Đối với tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ: kiểm tra để so sánh giữa khai báo, packinglist, vận tải đơn, C/O để xác định số lượng, trọng lượng khai báo để phát hiện nhập nhiều, khai ít; khai sai chủng loại…