Hàng hoá Việt thâm nhập vào ASEAN
Đã có nhiều hàng Việt thâm nhập vào các nước ASEAN trong chiến lược phát triển, mở rộng thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng cao, từ 3,3 tỷ USD trong năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015 (tăng gần 13 lần).
Phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN”, ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết hiện ASEAN là một trong các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc. Điều này đã giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn.
Nỗ lực tăng thị phần
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, ASEAN là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU) và giá trị xuất khẩu sang khu vực này của hàng Việt đang giữ tốc độ tăng trưởng cao.
Rất nhiều thương hiệu Việt đã dần quen thuộc với người tiêu dùng các nước xung quanh như cân Nhơn Hòa, bút bi Thiên Long, nước ngọt Bidrico hay tương ớt Cholimex…
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, đánh giá rằng con đường đưa hàng Việt ra nước ngoài đang rộng mở, với thị trường hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm hơn 3.000 tỷ USD, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp (DN) Việt mở rộng thị trường.
Phân tích về lợi thế, ông Hưng cho rằng khi hàng rào thuế quan bị loại bỏ, các hàng rào phi thuế quan được cắt giảm, tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN mà còn mở rộng sang các khu vực thị trường đối tác của ASEAN vì đây là một khu vực giao thoa giữa rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác ngoại khối như Ấn Độ, Trung Quốc, Úc và New Zealand.
Chính sự tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động giữa các nước trong khu vực sẽ tạo sự gắn kết, hài hòa giữa các nhà sản xuất, tạo cơ hội để các DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong khi đó, DN Việt Nam cũng có thể tìm được nguồn cung dồi dào với giá thành hợp lý hơn, tiếp cận được nguồn vốn và các công nghệ kĩ thuật cao hơn. Đây là những điều kiện để các DN có thể hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới, khi tỷ lệ bãi bỏ thuế quan của các nước ASEAN về 0% sẽ là lợi thế cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, phân bón.
Ông Hưng cho biết, dệt may là một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi thuế suất các hàng dệt may của Việt Nam đã về 0%, hàng Việt sẽ cạnh tranh chủ yếu với đối thủ là Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, thị phần ngành dệt may tại thị trường này cũng không quá cao do nhưng họ chủ yếu chỉ gia công và chưa có các thương hiệu lớn trên thị trường thế giới.
Đối với ngành phân bón, trong khu vực ASEAN nổi lên là Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan có nhu cầu rất lớn nhưng sản xuất không đủ dùng và phải nhập khẩu với số lượng rất lớn.
Đặc biệt, Campuchia và Myanmar phải nhập khẩu tới 90% nhu cầu trong nước và thuế nhập khẩu phân bón của các nước này đang là 0%. Campuchia là nước nhập khẩu phân bón của Việt Nam nhiều nhất với hơn 300 nghìn tấn/năm.
Không dễ thâm nhập
Tuy nhiên, ông Hưng cũng khẳng định, song hành với các cơ hội luôn là thách thức cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường này. Nhìn nhận vào thực tế, ông Hưng cho biết, đã có nhiều hàng Việt thâm nhập vào các nước ASEAN trong chiến lược phát triển, mở rộng thị trường nhưng số doanh nghiệp làm ăn bài bản, tổ chức hệ thống phân phối, có nghiên cứu thị trường, tiếp cận người tiêu dùng chưa nhiều.
Theo các chuyên gia thị trường, để chinh phục được thị trường ASEAN, các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường. Nếu thị trường Indonesia không đòi hỏi chất lượng quá cao, lại có mức giá trung bình thì thị trường Thái Lan và Malaysia, muốn cạnh tranh tốt, sản phẩm của doanh nghiệp phải chọn ở phân khúc chất lượng cao trở lên, sản phẩm lại phải có sự khác biệt thì thị trường nhập khẩu mới thuận lợi.
Trong khi đó, hiện hàng Việt chủ yếu đi theo kênh phân phối truyền thống hoặc bán qua đại lý, chưa vào được siêu thị hay có cửa hàng riêng dẫn đến độ “bám” thị trường chưa sâu.
Theo ông Hưng, khi muốn tham gia vào thị trường này, trước hết chúng ta phải mở cửa thị trường của Việt Nam cho các sản phẩm của các nước ASEAN thâm nhập vào, nhưng điều đó lại tạo một áp lực cạnh tranh rất lớn cho hàng hóa Việt Nam.
Đặc biệt, khi các nước ASEAN bãi bỏ hàng rào thuế quan, ngay lập tức dựng lên một hệ thống các tiêu chuẩn về kĩ thuật để bảo vệ thị trường nội địa và hạn chế xuất khẩu của các nước khác. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng.
Đồng thời, chú trọng xây dựng kênh phân phối tại thị trường xuất khẩu và tăng cường nghiên cứu thị trường- xúc tiến thương mại nhằm khai thác triệt để các thị trường tiềm năng khu vực ASEAN.