Hành trình để tiến tới Net Zero của Việt Nam
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách để hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc chính vào ý thức và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Dần hoàn thiện khung pháp lý
Năm 2023, 140 quốc gia trên thế giới đã đặt mục tiêu Net Zero, tức là, doanh nghiệp tạo ra bao nhiêu khí thải, có nghĩa vụ và trách nhiệm hấp thụ lại tương đương con số đó. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng cần thiết để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Hầu hết các quốc gia đều đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, một số quốc gia đang phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, cần nhiều thời gian hơn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các nước này đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2060 hoặc 2070. Việt Nam hiện đang là một trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, với lượng phát thải khí Cácbon tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo vệ môi trường. Trong 5 năm trở lại đây, ngân sách nhà nước dành cho môi trường luôn đạt trên 21 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đây là một khoản đầu tư lớn, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, với những thách thức ngày càng lớn, nguồn lực công vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực công, Chính phủ đang tích cực huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những giải pháp trọng tâm.
Sự phát triển của hai thị trường này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững. Là nước đang phát triển, Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là “không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá”.
Trong 1 năm vừa qua, Việt Nam đã quan tâm tới việc hoàn thiện các cơ chế chính sách – một trong bước đầu tiên quan trọng nhất trong việc triển khai cam kết, ban hành các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon… Nhìn chung, về mặt cơ chế chính sách, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý giúp triển khai thuận lợi cam kết của mình.
Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm doanh nghiệp
Về phía doanh nghiệp, hành trình này, bước đầu đã có cải thiện tích cực. Hiện nay, hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã cam kết Net Zero, bao gồm các tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, FPT, Masan,… hướng tới mục tiêu vì cộng đồng phát triển bền vững bằng những giải pháp cụ thể. Các doanh nghiệp này đầu tư vào những nguồn năng lượng mới, thực hiện giảm nhiên liệu, chuyển đổi công nghệ, tái sử dụng bao bì, sử dụng năng lượng tái tạo.
Những hành động này là cam kết tuyệt vời, tuy nhiên đòi hỏi nỗ lực to lớn và thời gian để chuyển đổi. Song Việt Nam cũng có những lợi thế có thể thực hiện để đến gần hơn với mục tiêu Net Zero, đó là bảo vệ rừng, phục hồi tài nguyên và phát triển lâm nghiệp bền vững. Đã có các doanh nghiệp đầu tư theo đuổi hướng đi này như Vinamilk, Sungroup, Novaland, ABBANK…
Theo TS. Hà Quang Anh – Giám đốc Trung tâm Phát triển carbon thấp – Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để hiện thực hóa những mục tiêu net Zero, doanh nghiệp cần có nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ đối với mục tiêu Net Zero.
Ông Hà Quang Anh cũng nhấn mạnh việc chuẩn bị nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học – công nghệ, kỹ thuật để thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng phát triển carbon thấp. Điều này được coi là bước quan trọng và thiết thực để đáp ứng các yêu cầu thực tế trong tương lai.
Doanh nghiệp có thể chuyển đổi nhận thức thành hành động cụ thể, lấy ví dụ từ những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã sớm nhận thức và xây dựng chiến lược giảm phát thải và trung hòa carbon. Đồng thời, doanh nghiệp cần lập kế hoạch nguồn lực để kiểm kê khí nhà kính, đề xuất và quản lý các hoạt động giảm nhẹ.
Như vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng nghiên cứu về tác động của lượng phát thải do hoạt động kinh doanh sản xuất của mình tạo ra. Sau khi nhận thức được mức độ tác động, doanh nghiệp có thể nhanh chóng lên chiến lược hành động từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, để lại ấn tượng tốt đối với nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.