Hậu quả của chiến tranh tiền tệ đối với thế giới và Việt Nam ra sao?


Ngọn lửa chiến tranh tiền tệ đã được Trung Quốc và Mỹ "nhóm lên" sau động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nội tệ xuống thấp nhất 8 tháng, và Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Giới quan sát lo ngại, nếu chiến tranh tiền tệ sẽ bùng phát và khi đó, không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà nhiều nền kinh tế khác trong đó có Việt Nam cũng phải chịu thiệt hại.

Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà nhiều nền kinh tế khác trong đó có Việt Nam cũng phải chịu thiệt hại. Nguồn: Forextime
Không chỉ Mỹ, Trung Quốc, mà nhiều nền kinh tế khác trong đó có Việt Nam cũng phải chịu thiệt hại. Nguồn: Forextime

 Mỹ: Thị trường chứng khoán bốc hơi hàng trăm tỷ đô

Ông Chris Krueger, chuyên gia phân tích của Hãng tư vấn Cowen, mô tả việc trả đũa của Trung Quốc là "kinh khủng". Theo ông, nếu hình dung "cấp độ trả đũa từ 1-10" thì đó là cấp 11, sẽ có một phản ứng nhanh (và có thể sẽ thiếu kiểm soát) từ Nhà Trắng, và theo sau đó các căng thẳng thương mại nhanh chóng gia tăng. Theo chuyên gia này, hiện đang có những đồn đoán cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 9 để bù đắp cho những tổn thất do thương chiến gây ra.

Tuy nhiên, trong khi chờ để bồi đắp cho những tổn thất đó, Mỹ cũng đang phải đối mặt với nhiều mất mát hiện hữu. Minh chứng là ngày 5/8 (giờ Mỹ) trở thành ngày tồi tệ nhất năm 2019 với thị trường chứng khoán Mỹ khi hàng loạt chỉ số chính giảm điểm, làn sóng bán tháo ồ ạt cổ phiếu trên thị trường Phố Wall. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều giảm khoảng 3% trong ngày này. Từ đó kéo theo khoảng 117 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" khỏi tổng tài sản ròng gộp lại của 500 tỷ phú giàu nhất thế giới chỉ trong một ngày duy nhất.

Bên cạnh đó, NDT yếu đi cũng sẽ giúp hàng xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ. Theo tờ New York Times, một nhà máy ở Trung Quốc sản xuất đồ trang trí thảm cỏ và bán cho một hãng bán lẻ Mỹ. Mỗi sản phẩm có giá 1 USD, nếu tỷ giá là 6 CNY đổi 1 USD, doanh thu của họ cho mỗi sản phẩm là 6 CNY. Nhưng khi NDT yếu đi, về mức 7 CNY/USD, sản phẩm đó mang lại cho họ doanh thu cao hơn (7 CNY). Khi đó, họ có thể giảm giá, về 0,857 USD mà vẫn đảm bảo doanh thu 6 CNY. Việc này sẽ khiến đối thủ tại Mỹ, vốn giao dịch hoàn toàn bằng USD, gặp bất lợi.

Tiền tệ yếu đi còn có thể giúp các hãng xuất khẩu Trung Quốc vượt qua thách thức từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Với mức thuế 25% lên hàng Trung Quốc, nếu NDT yếu đi 10%, tiền thuế sẽ giảm đáng kể. Như vậy, tác động thực sự của biện pháp thuế nhập khẩu sẽ không còn nhiều.

Trung Quốc: Nặng nợ!

"Nếu quan sát cuộc chiến thương mại Mỹ Trung trong hơn một năm qua, có thể thấy Trung Quốc ngày càng bị động trước cách thức thực hiện của Mỹ. Trước đây, Trung Quốc rất giỏi trong việc sử dụng các thủ thuật "đánh - đàm", vừa âm thầm thực thi các cách kinh doanh có lợi, vừa sử dụng các hiệp định, các tổ chức thương mại thế giới trong việc cam kết hỗ trợ kinh tế thế giới. Bây giờ, cách thức đó sẽ càng làm cho kinh tế Trung Quốc suy thoái", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.

4 năm trước, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc mạnh tay hạ giá NDT, một phần để hỗ trợ các nhà máy. Tuy nhiên, mức giảm lớn, kéo dài liên tiếp trong nhiều ngày đã gây sốc cho tài chính toàn cầu, khiến hàng loạt thị trường chứng khoán lao dốc.

Khi giới chức Trung Quốc đang vội vã giải thích nguyên nhân, các cá nhân và công ty đã ồ ạt rút vốn khỏi nước này. Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế, 680 tỷ USD đã rời Trung Quốc, trong khi đây là dòng vốn mà kinh tế Trung Quốc đang rất cần.

Chỉ trong một năm, Trung Quốc đã phải dùng đến hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kéo giá NDT lên. Sau đó, họ bắt đầu thắt chặt kiểm soát hệ thống tài chính, chặn lại rất nhiều kênh từng được sử dụng để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tiền tệ yếu sẽ khiến người Trung Quốc phải trả nhiều tiền hơn khi mua sắm. Núi nợ bằng đồng USD của các doanh nghiệp nước này sẽ trở nên nặng nề hơn. Giá các mặt hàng toàn cầu niêm yết bằng đôla Mỹ, như dầu mỏ cũng sẽ đắt đỏ lên.

Nhiều nền kinh tế trên thế giới cũng "vạ lây"

Trên Bloomberg, chuyên gia kinh tế Marcus Ashworth cho rằng châu Âu và Nhật Bản sẽ bị tác động mạnh nhất. Vì sau nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, cả hai đều chẳng còn mấy dư địa để điều chỉnh.

Liên minh châu Âu (EU) đã phớt lờ đợt giảm lãi suất của Fed tuần trước. Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) có thể còn rất vui mừng khi việc Fed giảm lãi khiến đồng USD còn mạnh lên so với Euro. Vì nó có lợi cho các hãng xuất khẩu đang gặp khó tại châu lục này.

Tuy nhiên, Mỹ liên tiếp tung biện pháp nới lỏng lại là chuyện khác. ECB đã tung ra đòn chính sách lớn nhất, là quyết định giữ nguyên hoặc thậm chí tiếp tục hạ lãi suất, đồng thời khôi phục chương trình mua lại trái phiếu. Nói tóm lại, họ đã hết công cụ có thể sử dụng để kích thích kinh tế thêm nữa.

Tương tự, NDT yếu đi cũng là tin cực kỳ xấu với châu Âu. Kit Juckes, một nhà phân tích tiền tệ tại Societe Generale chỉ ra đồng euro chịu tác động lớn từ thương mại với Trung Quốc. Vì thế, Euro tăng giá trong bối cảnh Mỹ - Trung đua hạ giá nội tệ sẽ là thảm họa với các các công ty vốn phụ thuộc vào xuất khẩu tại châu Âu. Việc này có thể đẩy châu lục này vào suy thoái.

Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng sẽ chịu tác động tương tự. Đồng Yen gần đây tăng giá so với USD, về mốc đầu năm 2018. Còn với NDT, tỷ giá đã về như năm 2016. Việc này đang gây sức ép khổng lồ lên Thủ tướng Shinzo Abe trong việc vực dậy nền kinh tế.

Áp lực nào đối với Việt Nam?

Theo nhận định của một số chuyên gia, đối với Việt Nam, nguy cơ thâm hụt thương mại sẽ hiện hữu trong trường hợp đồng NDT xuống quá thấp, nếu VND vẫn giữ nguyên giá so với đồng USD hay NDT, áp lực lên hàng xuất khẩu của Việt Nam rất lớn.

Theo TS. Nguyễn Minh Sáng, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, câu chuyện khác đáng quan tâm ở đây là khi Trung Quốc bị hạn chế xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thì hàng Trung Quốc sẽ chuyển hướng đi các nước. Áp lực của Việt Nam lúc này sẽ tăng gấp đôi: Nguy cơ thâm hụt thương mại cao với Trung Quốc và áp lực can thiệp thị trường tiền tệ. Những điều này đẩy rủi ro cho Việt Nam trong bối cảnh có quy định hàng "made in Việt Nam" chưa rõ ràng.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam chia sẻ, nếu tính thêm yếu tố tỷ giá đồng NDT đang bị phá giá, ngành sợi xuất khẩu từ Việt Nam đang bị lép vế hoàn toàn. Theo dự báo của ông Nguyễn Văn Tuấn, ước tính xuất khẩu của ngành sợi Việt Nam trong năm nay sẽ giảm từ 10-15% so với năm ngoái, giá xuất bán từ 3,5 USD/kg hiện xuống còn 2,8 USD/kg. Điều này cũng đồng nghĩa với việc  doanh nghiệp sẽ bị "bay" mất không dưới 500 triệu USD.

Rõ ràng, sau những căng thẳng thương mại, tiền tệ Mỹ - Trung, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức, rủi ro hơn. Và trong bối cảnh hiện nay, việc theo dõi sát tình hình để có những sách lược, giải pháp điều hành vĩ mô là vô cùng quan trọng.