Hé lộ hai ứng viên sáng giá cho "ghế nóng" Tổng giám đốc PVN
Hai Phó tổng PVN Nguyễn Quỳnh Lâm và Lê Mạnh Hùng đang được đánh giá là hai ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Tổng giám đốc PVN.
Sáng 16/4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tổ chức Hội nghị Tập thể lãnh đạo Tập đoàn. Theo thông từ Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hội Đồng Thành Viên (HĐTV) PVN đã chấp thuận cho ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng giám đốc PVN thôi giữ chức Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, HĐTV PVN sẽ chưa chính thức công bố Quyết định chấp thuận cho ông Sơn nghỉ theo nguyện vọng cá nhân (vì còn chờ sau khi có Tổng giám đốc mới để làm các thủ tục bàn giao). Đồng thời, Ủy ban cũng chấp thuận cho PVN bổ nhiệm nhân sự thay thế chức danh Tổng giám đốc Tập đoàn từ nguồn tại chỗ.
Về mặt chính quyền, vị trí Tổng giám đốc PVN trước đây do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm. Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu PVN cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước từ cuối tháng 11/2018, việc bổ nhiệm đã thay đổi. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) PVN sẽ ký quyết định bổ nhiệm, nhưng quyết định phải có sự phê chuẩn của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Về mặt Đảng, Tổng giám đốc PVN phải tham gia Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương và phải là Phó bí thư Đảng ủy PVN, vị trí có quyền lực thứ 2 ở PVN, chỉ sau Chủ tịch HĐTV. Trong lịch sử, các Tổng giám đốc PVN đều xuất thân, trưởng thành và có kinh nghiệm công tác ở lĩnh vực thăm dò và khai thác.
Về quy trình tuyển chọn và bổ nhiệm, ứng viên sẽ là một trong số các Phó tổng giám đốc, hoặc có hàm tương đương đang trong tuổi bổ nhiệm (chưa đến tuổi nghỉ hưu tối thiểu 5 năm như Điều 14 của Quy định 105/QĐ/TW đang có hiệu lực).
Như vậy, ứng viên CEO PVN sẽ không nằm trong số Ủy viên HĐTV đều đã quá tuổi quy định, hoặc là các Phó tổng giám đốc PVN, nhưng quá tuổi quy định.
Hiện PVN hiện có 4 Phó Tổng giám đốc gồm: Ông Nguyễn Quốc Thập (sinh năm 1960), ông Đỗ Chí Thanh (sinh năm 1968), ông Nguyễn Xuân Hòa (sinh năm 1972) và ông Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1973).
Với năng lực vượt trội khi độ tuổi còn trẻ, ông Lê Mạnh Hùng được xem là ứng viên duy nhất trong Ban giám đốc hiện tại.
Về cơ cấu tổ chức và hoạt động, Tổng giám đốc liên doanh Việt Nga Vietsovpetro (VSP) mang hàm tương đương Phó Tổng giám đốc PVN và vẫn là Ủy viên Đảng ủy PVN. Như vậy, ông Nguyễn Quỳnh Lâm cũng sẽ là ứng viên cho vị trí Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm được đánh giá là người có viễn kiến và bản lĩnh của CEO từ khả năng tổng hợp, đánh giá đến ra quyết định. Ngoài bản tính khiêm tốn, nhưng rất quyết đoán trong xử lý công việc ông còn có khả năng thu phục nhân tài và tổ chức thực hiện ở doanh nghiệp có cơ cấu vốn lớn.
Hiện tại ở PVN, ông là một trong số ít lãnh đạo cao cấp có chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực thăm dò và khai thác. Trong suốt quá trình công tác, ông Lâm gắn liền với các vị trí quản lý khác nhau ở lĩnh vực thăm dò, khai thác vốn là xương sống, trụ cột của PVN suốt hơn 20 năm qua.
Nếu chiếu theo truyền thống, ông Lâm gần như là "vô đối" khi có chuyên môn sâu và kinh nghiệm về lĩnh vực thăm dò và khai thác (EP). Cần thấy, những nơi ông Lâm đã đi qua, từ PVEP đến VSP là cơ cấu PVN thu nhỏ. Với PVN, ngoài vai trò chủ tịch HĐTV làm lãnh đạo, với vai trò điều hành, ông có đủ tự tin và uy phong để thi triển các nghị quyết của HĐTV cũng như điều hành các Tổng công ty, công ty thành viên và các liên doanh mà PVN có cổ phần hoặc góp vốn. Ngoài ra, về chuyên ngành, ưu tiên cốt lõi vẫn là EP, thì lựa chọn theo truyền thống sẽ không phá vỡ cấu trúc ngành lấy EP làm nền tảng.
Dù vậy, với ông Lâm, ở VSP cũng đang làm đề án tái cơ cấu với rất nhiều yêu cầu chuyên sâu về EP và không ai phù hợp hơn ông ở vị trí Tổng giám đốc VSP cả nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở thì hiện tại qua đề án tái cơ cấu thì bên cạnh EP, PVN đã xác định thêm các lĩnh vực "Khí, chế biến dầu khí và điện" là các trọng tâm cùng phát triển. Nhìn tổng quan có nghĩa là PVN sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi "thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí". Ngoài ra, mục tiêu dài hạn của PVN là sẽ hướng tới mô hình Tập đoàn kinh tế chuyên biệt, đầu tư và quản trị tài chính và không can thiệp sâu vào hoạt động điều hành ở các thành viên hay các công ty điều hành chung (JOCs) nơi đã có Luật Dầu khí, các hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và các Ủy ban quản lý (MC), điều hành (OC) hay kỹ thuật (TC), giám sát.
Như vậy có nghĩa, PVN đang cần một CEO có kinh nghiệm về quản trị, điều hành chứ không hẵn cứ phải mặc định là có kinh nghiệm chuyên sâu về EP. Về mặt này, ông Lê Mạnh Hùng lại có vẻ nổi trội hơn khi có tầm bao quát rộng do đã từng có 2 năm ở Văn phòng Chính phủ.
Ngành Dầu khí Việt Nam, xuyên suốt quá trình 45 năm trưởng thành và phát triển, đã luôn là ngọn cờ đầu của cả nền kinh tế, góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, qua một giai đoạn 10 năm vận hạn từ năm 2009, qua chủ trương phát triển nóng, đầu tư dàn trải, ngoài ngành dẫn đến nhiều hệ lụy cho PVN đến tận hôm nay.
Hậu quả là suốt từ năm 2014 đến nay, các vị trí lãnh đạo PVN luôn biến động đã không chỉ tác động xấu đến tâm lý ngại đưa ra các quyết định quan trọng của Ban lãnh đạo PVN mà còn ảnh hưởng đến hoạt động ở các ban chuyên môn PVN và tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên.
Dù nhiều thăng trầm, nhưng PVN vẫn luôn đóng vai trò dẫn đầu về mức tổng nộp ngân sách nhà nước; hiện tại ở mức hơn 10% GDP. Với vị thế quan trọng như vậy, việc kiện toàn lãnh đạo cao cấp hàm CEO là nhu cầu cấp thiết để CEO nắm quyền điều hành ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tham gia phê duyệt các đề án đầu tư, dự án phát triển mỏ.