Hỗ trợ để doanh nghiệp xây dựng tăng tốc
Quý IV/2023, có đến 34% doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng nhận định khó khăn, tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng. Trong số 77,7% DN xây dựng có vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh thì có tới 73,6% DN không tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.
Khó khăn vẫn tiếp diễn
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh quý III và dự báo quý IV/2023, có 5.045 DN phản hồi (chiếm 94,7% tổng số DN được chọn mẫu điều tra), số DN nhận định tình hình kinh doanh so với quý II có tốt lên, nhưng chi phí sản xuất tăng.
Bên cạnh đó, chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý III so với quý II là -4,9% (22,9% DN nhận định tăng và 27,8% nhận định giảm. Theo ngành kinh tế, quý III so với quý II, DN xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là ngành duy nhất có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới lớn hơn 0; còn lại DN xây dựng nhà các loại âm (-4,2%) và DN hoạt động xây dựng chuyên dụng là -15,9%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng 9 tháng năm 2023 đã tăng 0,81% so cùng kỳ năm trước. Đây là biến số ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động của các DN ngành xây dựng. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ số cân bằng tổng chi phí sản xuất cho hoạt động xây dựng quý III so với quý II là 26,1% (46,3% DN dự báo tăng và 20,2% nhận định giảm); chỉ số này của quý II tương đương là 47,1% DN nhận định tăng, 20% DN nhận định giảm.
Trong chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp dùng cho hoạt động xây dựng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của DN xây dựng. Kết quả điều tra, quý III có tới 49% DN nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý II; có 32,7% DN nhận định chi phí không đồi và 18,3% nhận định giảm. Ngoài ra, chi phí nhân công trực tiếp cũng tăng (40,5% DN nhận định tăng), 42,1% cho biết không thay đổi và chỉ 17,4% nhận định giảm so với quý II.
Theo Bộ Tài chính, đến 30/9/2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 51,38% kế hoạch vốn năm 2023, tăng 23,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 giải ngân đạt 46,7%). Với số vốn giải ngân tương đương khoảng 363.310 tỉ đồng, cao hơn 110.000 tỉ đồng so cùng kỳ 9 tháng năm 2022. Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 đã có sự cải thiện đáng kể và là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng của DN ngành xây dựng. Nhưng hợp đồng xây dựng mới quý III chỉ 22,9% DN nhận định tăng và 49,3% nhận định không có sự thay đổi; có tới 27,8% DN cho biết số hợp đồng mới giảm so quý II.
Với những khó khăn chưa được giải quyết dứt điểm, kết quả khảo sát quý III cũng cho thấy, trong tổng số DN phản hồi có 20,5% DN hoạt động dưới 50% năng lực thực tế; 32,7% DN hoạt động từ 50% đến dưới 70%; 28,3% DN hoạt động từ 70% đến dưới 90%; chỉ 16,3% DN hoạt động từ 90% đến 100% và 2,2% DN hoạt động trên 100% năng lực thực tế. Có thể thấy, khó khăn trong hoạt động của DN ngành xây dựng đã kéo dài từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19 đến khi dịch lắng dịu vẫn chưa thể phục hồi về trạng thái trước dịch. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng, sức ép từ bên ngoài và chi phí vốn cũng tăng, trong khi nợ đọng xây dựng cơ bản cũng tăng; thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục dù đã có chính sách hỗ trợ gỡ khó cho bất động sản… làm DN gặp khó càng thêm khó.
Cần tiếp sức thêm cho doanh nghiệp
Trong 9 tháng năm 2023, ngành xây dựng tăng 6,17% đóng góp 0,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Để tăng mức đóng góp của ngành xây dựng thì DN cần sự tiếp sức thêm từ các chính sách, cùng với sự đồng hành của ngân hàng trong gỡ khó về vốn vay.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, quý IV so với quý III/2023, chỉ có 24,7% DN ngành xây dựng dự báo hợp đồng xây dựng mới tăng; 50,9% nhận định không thay đổi và đến 24,4% nhận định giảm. Dự báo quý IV/2023, có 47,8% DN dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý III; có 37,4% DN nhận định không đổi và 14,8% DN dự báo giảm. Về chi phí nhân công trực tiếp, có 41,3% DN dự báo quý IV tăng so với quý III; có 44,9% cho biết là không đổi và 13,8% dự báo giảm.
Quý IV so với quý III/2023, chi phí sản xuất trên tổng đơn vị sản phẩm có 45,7% DN dự báo tăng; 38,4% cho biết không đổi và chỉ 15,9% dự báo giảm. Chi phí sản xuất tăng là vấn đề luôn làm các DN lo ngại, bởi nó sẽ kéo theo hàng loạt các khó khăn cần giải quyết.
Thêm vào đó, vốn vay cho sản xuất kinh doanh luôn là bài toán khó của DN xây dựng. Khảo sát quý III cho thấy, 76,4% DN vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó, nguồn vay thì có 77,7% DN vay từ ngân hàng; 11,7% vay từ người thân, bạn bè; 6,1% DN vay từ tổ chức tín dụng khác; 2,9% vay từ nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,6% vay từ nguồn khác. Đáng nói là trong số 77,7% vay vốn từ ngân hàng, chỉ có 26,4% DN tiếp cận vốn ưu đãi, còn lại đến 73,6% DN không tiếp cận được các nguồn ưu đãi.
Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng, các DN cho biết 2 yếu tố tác động nhiều nhất là “Không có hợp đồng xây dựng mới” (48,9% DN nhận định) và “Giá nguyên vật liệu tăng cao” (48,7%). Quý IV, cũng là 2 yếu tố này có ảnh hưởng mạnh nhất, nhưng tỷ lệ giảm tương ứng còn lần lượt là 47% và 48,3%.
Trong các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN xây dựng, thì ngoài 2 yếu tố chính trên còn có các yếu tố như: Nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán dúng kỳ hạn (27,6%); Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh (26,1%); Năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế (22,3%); Công tác giải phóng mặt bằng chậm (16,2%); Thủ tục hành chính rườm rà (15,2%)… cũng tác động lớn đến kết quả hoạt động của DN trong quý III.
Để tạo thuận lợi cho DN tăng tốc quý cuối năm 2023, có 47,1% DN đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh (được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay); 45,7% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu (như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu); 37,5% DN đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch; 33,3% DN đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 24,7% đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 23,3% đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, DN mới có thể thuận lợi hơn trong tăng tốc để hoàn thành các mục tiêu năm 2023 và cùng góp phần vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế.