Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập

Hữu Thông

Vừa qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) tại các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho DN” tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm rà soát, đánh giá Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho DN và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Toàn cảnh buổi tọa tàm. Ảnh: Hữu Thông
Toàn cảnh buổi tọa tàm. Ảnh: Hữu Thông

Theo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP. Trong đó có nổi bật một số địa phương đã triển khai mạnh mẽ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng các đề án, đề tài và ban hành chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng...

Trong quá trình thực hiện Nghị định 66, các nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN được quy định khi triển khai còn gặp nhiều khó khăn cần được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế. Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm cũng là ý kiến, kiến nghị đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng sửa lại nghị định 66 là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Các ý kiến kiến nghị, sửa đổi Nghị định 66 phải lấy DN làm trung tâm, hỗ trợ pháp lý cho DN phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vai trò hỗ trợ pháp lý của các văn phòng luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như hỗ trợ tư pháp cho DN, các văn bản hướng dẫn pháp luật của các bộ ngành, đại phương cần đơn giản, dễ hiểu, tránh chồng chéo…

Cụ thể, PGS.,TS. Dương Đăng Huệ, Giám đốc Trung tâm Thông tin, tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp cho rằng: “Bên cạnh nhu cầu hỗ trợ về vốn, thông tin, mặt bằng sản xuất kinh doanh... thì nhu cầu về hỗ trợ pháp lý cũng là một trong những yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Nắm vững và tuân thủ những quy định pháp luật ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động là điều kiện rất quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có từ 97-99/% là DN vừa và nhỏ, đây là các DN nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận pháp luật. Trong số này mới có khoảng 40% DN sử dụng dịch vụ pháp lý, kết quả cho thấy các DN sử dụng dịch vụ pháp lý sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả hơn. Thường thì các DN ở Việt Nam khi xảy ra vụ việc mới thuê dịch vụ pháp lý, do đó thiệt hại trong kinh doanh là vô cùng lớn, nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới phá sản DN.

Tạo buổi tọa đàm, đại diện Bộ Tư pháp đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và giải đáp các thắc mắc thuộc thẩm quyền, những ý kiến này sẽ được tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền để chỉnh sửa bổ xung Nghị định 66 trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của các DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.