Hoàn thiện chính sách về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học

PV.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Quyết định số 3220/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ, xây dựng, hoàn thiện các văn bản chính sách, quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Cụ thể, về xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, Kế hoạch nêu rõ, trong giai đoạn 2022-2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung xây dựng, trình ban hành các văn bản sau:

- Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Kế hoạch mở rộng và tăng cường quản lý hệ thống các khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam;

- Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

- Chương trình đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên;

- Chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; hướng dẫn triển khai xây dựng kế hoạch hành động và chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học ở cấp tỉnh;

- Đề án tăng cường năng lực cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học;

- Đề án phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước bị suy thoái;

- Đề án phát huy giá trị, tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả vốn tự nhiên và đa dạng sinh học cho mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID;

- Đề án quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các di sản thiên nhiên;

- Văn bản chỉ đạo của Đảng về tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xây dựng, trình ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án về bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, các loài nguy cấp, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, huy động nguồn lực và xây dựng năng lực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

Về xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đa dạng sinh học, giai đoạn 2022-2025,  tập trung xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/ 2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

- Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn khoản 5 Điều 42 và khoản 4 Điều 47 của Luật Đa dạng sinh học và sửa đổi Điều 17 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

- Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại;

- Dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, quan trắc đa dạng sinh học.

Kế hoạch nêu rõ, giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và tổ chức xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản về đa dạng sinh học như: Dự thảo Đề án sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các văn bản quy phạm pháp luật về: thành lập và quản lý hành lang đa dạng sinh học; thành lập, quản lý các khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái quan trọng; tiêu chuẩn phát triển du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên bền vững bảo đảm giảm thiểu tác động tới đa dạng sinh học; bồi hoàn đa dạng sinh học...