Hoàn thiện quy định thuế trong thương mại điện tử
Nhằm tránh những lỗ hổng trong quản lý gây thất thu thuế, cần sớm hoàn thiện quy định thuế trong thương mại điện tử.
Thách thức về thuế trong thương mại điện tử ngày càng trở nên hiện hữu. Với tiềm năng thị trường, phương thức giao dịch không ngừng mở rộng và đa dạng từ dịch vụ, sản phẩm đến quảng cáo trực tuyến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến khuyến nghị, để thách thức này không trở thành lỗ hổng trong quản lý gây thất thu thuế, cần sớm hoàn thiện quy định thuế trong thương mại điện tử.
Hoạt động thương mại điện tử nở rộ
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet, thương mại điện tử tại Việt Nam đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút được nhiều sự quan tâm. Theo đó, hoạt động mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến dần trở thành thói quen của doanh nghiệp và người dân.
Kết quả khảo sát mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công thương đã chỉ ra rằng, giá trị mua hàng trực tuyến của một người hằng năm ước tính 160USD và doanh số thu từ thương mại điện tử đạt trên 4 tỷ USD.
Thương mại điện tử nở rộ kéo theo sự ra đời của nhiều hình thức kinh doanh mới và đa dạng, không chỉ đơn thuần diễn ra trên các website thương mại điện tử mà còn diễn ra mạnh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội hay trên các ứng dụng di động.
Thực tế được chứng minh bằng lượng người thực hiện giao dịch mua sắm hàng hóa trên trang mạng facebook hay số người sử dụng dịch vụ di chuyển bằng Uber hay Grab taxi hằng ngày liên tục tăng trong những năm vừa qua. Theo nhận định của đại diện Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế, bà Nguyễn Thị Hánh, những hình thức kinh doanh này đang làm thay đổi cách thức giao dịch thương mại.
Điều này được hiểu đơn giản vì thương mại điện tử khác thương mại truyền thống. Mặc dù đối tượng tham gia giao dịch giống nhau nhưng trong thương mại điện tử, doanh nghiệp và người tiêu dùng kết nối trực tiếp với nhau, không phải qua kênh phân phối trung gian như bán buôn, bán lẻ.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử với đặc thù quy trình được tiến hành một phần hoặc toàn bộ bằng phương tiện điện tử có kết nối với internet, viễn thông di động hoặc các mạng mở khác nên cả thời gian và không gian đều không bị giới hạn; đồng thời không cần kho bãi để lưu trữ hàng hóa... khác với thương mại truyền thống.
Để ngăn chặn việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, Bộ trưởng Tài chính các nước G20 vừa thông qua kế hoạch “Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận”. Kế hoạch này sẽ được áp dụng đối với các tập đoàn có tổng doanh thu tối thiểu 851 triệu USD. Theo đó, các tập đoàn này sẽ phải báo cáo đầy đủ về hoạt động kinh doanh của mình với cơ quan thuế vụ tại các quốc gia mà hãng đặt trụ sở hoặc chi nhánh. Trong khi các quốc gia tham gia ký kết sẽ phải thay đổi chính sách thuế, các hãng này vẫn phải thực hiện đồng thời những bước nhằm tránh các vấn đề như đánh thuế hai lần.
Giải quyết thách thức về thuế
Đưa ra ví dụ về thách thức thuế trong thương mại điện tử, Trưởng phòng Chính sách thu nhập thuế, Vụ Chính sách thuế Dương Thị Ninh cho biết, đối với giao dịch nhập khẩu, pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thu thuế nhà thầu nước ngoài nhưng việc quản, kiểm thuế nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn.
Pháp luật trong giao dịch thương mại truyền thống quy định trường hợp nhà thầu nước ngoài là đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ thì tổ chức, cá nhân Việt Nam mua dịch vụ là người có trách nhiệm khấu trừ thuế.
Hay nói cách khác, tổ chức, cá nhân Việt Nam khi nhận hàng hóa, dịch vụ phải nộp thuế nhà thầu trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài. Nghĩa vụ thuế được căn cứ trên các hóa đơn, chứng từ chứng minh giao dịch thành công như hợp đồng, chứng từ thanh toán tiền, khấu trừ thuế.
Tuy nhiên, trong điều kiện thương mại điện tử xuyên biên giới, thu thuế nhà thầu trong thương mại điện tử đang đặt ra bài toán ngược đối với quản lý thuế khi làm thế nào chứng minh tổ chức, cá nhân trong nước mua hàng hóa, dịch vụ do nước ngoài cung cấp; chứng từ như thế nào thì đủ hiệu lực pháp lý để chứng minh giao dịch trên thành công; hay trách nhiệm cung cấp chứng từ của nhà thầu nước ngoài đến đâu trong trường hợp giao dịch thực hiện hoàn toàn bằng công nghệ kỹ thuật số...
“Đây hoàn toàn có thể là lỗ hổng trong quản lý gây thất thu thuế”, Vụ trưởng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Cải cách và Hiện đại hóa, Tổng cục Thuế Nguyễn Quang Tiến khẳng định và cho biết thêm, trong thời gian tới, cần sớm rà soát, điều chỉnh các quy định thuế nhà thầu nói riêng và thuế trong thương mại điện tử nói chung.
Từ đó bổ sung chính sách tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với các đơn vị ngoài ngành thuế có liên quan và cơ chế phối hợp với các tổ chức nước ngoài nhằm trao đổi thông tin quản lý thuế.
Đặc biệt sẽ thành lập cơ quan chuyên trách quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử để hỗ trợ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các giao dịch thương mại điện tử có rủi ro cao về thuế và kịp thời xử phạt vi phạm, tránh tình trạng cơ quan thuế chậm chân để đối tượng xóa dữ liệu giao dịch gây thất thu thuế.