Hội nhập quốc tế “bỏ xa” các quy định hiện hành

Nga Phạm

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, một số các quy định trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) đã không đáp ứng yêu cầu bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán.

Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật.
Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật.

Nhiều quy định không còn phù hợp

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế nhằm loại bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặc biệt quan tâm. Đây cũng là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường thế giới.

Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo cho biết, năm 2007 khi mới gia nhập Tổ chức WTO, Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế nhỏ, GDP chỉ khoảng 78 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2021, GDP của Việt Nam đã lên tới 330 tỷ USD, gấp 4 lần thời điểm gia nhập WTO. Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa gạo, cà phê, thủy sản, sản phẩm dệt may, da giầy, điện tử...

Đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA như Việt Nam-Hàn Quốc; Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu; Hiệp định CPTPP; FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu… Đáng chú ý, trong các FTAs đều có một chương quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Tuy nhiên, Luật TC&QCKT hiện nay chỉ đưa ra các nguyên tắc chung, phù hợp với thời điểm năm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO. Vì vậy, các quy định này ở thời điểm hiện nay không còn đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo thống kê của WTO, số lượng các biện pháp về TBT của các nước thông báo sẽ dự kiến ban hành và áp dụng tăng đều từ 2015 đến 2019 là 18% mỗi năm, riêng năm 2021 tổng số thông báo về các biện pháp TBT của các nước là 3.996 biện pháp, tăng 18% so với năm 2020. Chính vì vậy, một số quy tắc, quy định của Luật TC&QCKT đến nay đã không đáp ứng được yêu cầu, nhất là các quy định liên quan đến cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp.

Chưa kể, việc là thành viên chính thức của nhiều tổ chức tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế như ISO, ITU, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX... đòi hỏi Việt Nam phải trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa để xuất khẩu.

Một vấn đề khác cũng đang trở thành vướng mắc mà theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Luật TC&QCKT chưa có quy định về khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của “cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược.

Các bộ, ngành xây dựng TCVN, QCVN theo kiểu đến đâu làm đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng. Điều này dẫn đến tình trạng tại một số bộ, kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch hàng năm, thậm chí vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng TCVN, QCVN.  Như vậy, có thể thấy, hoạt động tiêu chuẩn hiện nay chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, và như vậy cũng chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi mà Việt Nam đã ký kết. .

Một vấn đề khác cũng cần được chỉ ra đó là hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay bao gồm: tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Theo quy định tại Điều 10 Luật TC&QCKT, trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố TCVN được giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Chính vì vậy, việc xây dựng TCVN hiện nay chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước, chiếm tới 95%. Do nguồn lực xây dựng TCVN chủ yếu tập trung vào các cơ quan, ngân sách nhà nước nên số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hàng năm chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường, tổ chức, doanh nghiệp. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triể và hội nhập với thế giới, kéo theo nhu cầu thị trường áp dụng tiêu chuẩn trên nhiều lĩnh vực ngày càng đa dạng, tăng cao.

Kinh nghiệm của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, các quốc gia phát triển và từ thực tiễn của Việt Nam cho thấy, việc xây dựng tiêu chuẩn phải theo định hướng của thị trường, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu không tập trung vào thị trường, thì tất cả những tiêu chuẩn được công bố sẽ không có hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp.

Bất cập trong chính sách thu hút nhân lực  

Không chỉ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các quy định liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mà cơ chế chính sách hiện nay còn là ”rào cản” trong thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu mới, trong nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai các hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa. Đến nay, đội ngũ cán bộ tiêu chuẩn hóa đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế.

Nhiều cán bộ đã phát huy được tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, ứng dụng tốt những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiêu chuẩn hóa tại đơn vị. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, đội ngũ cán bộ, nhân lực về tiêu chuẩn hóa còn thiếu và chất lượng chưa thực sự cao theo yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo phản ánh của các sở, chi cục địa phương báo cáo đội ngũ cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu, không đủ khả năng, chuyên môn để nắm bắt được các quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn ảnh hưởng đến công tác quản lý.

Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản từ lâu đã có những chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực tiêu chuẩn hóa. Thậm chí ngay cả các tổ chức như ISO, IEC cũng có các chương trình phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực tiêu chuẩn. Các chuyên gia, nhân lực tiêu chuẩn hóa của các nước này không chỉ có hoạt động trong nước mà còn tham gia sâu rộng vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như ISO, IEC, ITU...

Tuy nhiên, tại Việt Nam, Luật TC&QCKT hiện hành chưa thể hiện rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Điều 7 của Luật TC&QCKT chỉ quy định chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các ngành kinh tế - kỹ thuật. Trong khi đó, các nước đã đưa chương trình đào tạo về tiêu chuẩn hóa trong trường đại học, cơ sơ dạy nghề, thậm trí các nước phát triển đã dạy nội dung về tiêu chuẩn hóa trong trường trung học (Đức, Anh)...

Mặt khác, theo đánh giá, đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở các địa phương trong một số lĩnh vực còn yếu, chưa được đào tạo chuyên sâu; trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ để thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Luật TC&QCKT hiện nay còn thiếu các chính sách thiết thực trong việc tập trung đầu tư phát triển nhân lực tiêu chuẩn hóa đạt trình độ quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực về tiêu chuẩn trong nước và ngoài nước, nhất là lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng, triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chính sách đào tạo về tiêu chuẩn ngay trong trường đại học như kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nước trong khu vực.

Do vậy, cần xem xét có chính sách thiết thực trong lĩnh vực tiêu chuẩn như: chính sách tập trung đầu tư phát triển nhân lực tiêu chuẩn hóa đạt trình độ quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực về tiêu chuẩn trong nước và ngoài nước, nhất là lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, xây dựng, triển khai áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chính sách đào tạo về tiêu chuẩn ngay trong trường đại học như kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, các nước trong khu vực.