Hơn hai vạn doanh nghiệp ngừng hoạt động: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Theo hanoimoi.com.vn

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2016 số doanh nghiệp (DN) phải tạm ngừng hoạt động, hoặc giải thể đã lên tới hơn 2 vạn. Đây là con số không bình thường. Từ đó đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo sự công bằng về cơ hội tham gia thị trường.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa do làm ăn kém hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hà
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải đóng cửa do làm ăn kém hiệu quả. Ảnh: Mạnh Hà

“Sức” yếu, “gánh” nặng

Những năm trước, khi nền kinh tế gặp khó khăn, tỷ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động vào khoảng 20% so với tổng số DN thành lập mới, và đã đặt ra không ít vấn đề. Thế nhưng, trong quý I-2016, đã có hơn 2 vạn DN phải tạm ngừng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 80% so với tổng số DN mới thành lập. Ở một khía cạnh, có thể hiểu là khả năng tồn tại của DN khá "mong manh".

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cần xem việc DN rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng suy nghĩ, không bình thường. Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, DN đang phải đối mặt với không ít khó khăn như việc gia tăng chi phí đầu vào... tiền thuê đất, sử dụng đất và sắp tới có thể là việc tăng thuế môi trường và thuế môn bài.

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn chưa được cải thiện. Thực trạng trên khiến nhiều DN rơi vào tình trạng phải loay hoay tìm cách trụ vững, qua cơn sóng gió. Nhưng, đáng tiếc phải chờ bao lâu để qua sóng gió lại là câu hỏi ngỏ - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Cũng về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, DN dân doanh quy mô nhỏ, hạn chế về công nghệ nên sức cạnh tranh thấp, do vậy khó trụ vững khi đối diện nhiều bất lợi. Chưa kể không ít DN chân chính đang điêu đứng với nạn hàng giả, hàng nhái và buôn lậu, thậm chí có khi chịu hậu quả nghiêm trọng và không thể gượng dậy...

Theo Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, các DN trong nước và hộ kinh doanh, đang chịu sự cạnh tranh dữ dội từ DN có vốn nước ngoài. Việc mở cửa thị trường diễn ra quá nhanh, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn đã làm bộc lộ hàng loạt yếu kém của DN nội như thiếu vốn, thiếu chiến lược phát triển hợp lý, liên kết theo chuỗi, hạn chế về năng lực quản trị… "Rất khó lạc quan đối với tương lai ngành bán lẻ trong những năm tới" - ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Tạo cơ chế bình đẳng

Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, DN nhà nước vẫn được hưởng nhiều ưu đãi, nhất là về nguồn lực và cơ hội tham gia thị trường. Đã đến lúc cần có quan điểm công bằng với DN tư nhân và xác định rõ DN tư nhân là động lực của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, y tế và hạ tầng tối quan trọng; còn lại cần mạnh dạn chuyển cho khu vực tư nhân; khuyến khích DN tư nhân tham gia đầu tư vốn, công nghệ vào lĩnh vực hạ tầng, cấp nước, năng lượng, dịch vụ xã hội, vận tải… Đồng thời, đây cũng là cách để huy động và sử dụng tối đa nguồn lực xã hội, kiến tạo cơ chế bình đẳng, bồi đắp lòng tin để thúc đẩy DN tư nhân phát triển.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn đề nghị: Cơ quan quản lý cần nhanh chóng xóa bỏ tình trạng giấy phép con, có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, DN cần được đối thoại với cơ quan quản lý để tìm kiếm điều kiện thuận lợi gia nhập thị trường. Có thể tạo ra cơ chế DN "chấm điểm" cơ quan quản lý, nhằm chỉ ra tồn tại cũng như kịp thời ghi nhận những chuyển biến hiệu quả.

"Nhiều DN mong muốn, minh bạch hóa các công đoạn, từ quy hoạch, kế hoạch phát triển đến danh mục dự án thu hút đầu tư... và lấy đó làm thước đo, xếp hạng năng lực cạnh tranh của địa phương" - ông Phạm Đình Đoàn nói.

Có rất nhiều điều cần làm để loại bỏ những "bất thường" nhằm vun đắp niềm tin cho DN. Và mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.