Hợp lực chống chuyển giá, trốn thuế
Chống Xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận (BEPS) đang là vấn đề thuế toàn cầu, là mối quan tâm chung của các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Tại các hội thảo bên lề diễn đàn APEC 2017, các nền kinh tế thành viên APEC đã quan tâm thảo luận đến vấn đề này. Mới đây, Tổng cục Thuế phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tổ chức hội thảo các ưu tiên triển khai thực hiện kế hoạch hành động chống Xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận (BEPS) tại các nền kinh tế châu Á- Thái Bình Dương. Nhiều vấn đề được hội thảo quan tâm bàn luận như: Khấu trừ lãi vay; Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và báo cáo lợi nhuận liên quốc gia; Các biện pháp đơn giản hóa liên quan đến xác định giá giao dịch liên kết; Hướng tiếp cận của các thành viên và kinh nghiệm về việc xây dựng chính sách và chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định đa phương.
Liên quan đến giải pháp nhằm hạn chế giảm nguồn thu thông qua khấu trừ chi phí lãi vay và các khoản chi phí tài chính khác, báo cáo tại hội thảo cho thấy, thực tế tiền có tính lưu động và có thể thay thế được. Vì thế các tập đoàn đa quốc gia có thể đạt được lợi ích về thuế bằng cách điều chỉnh các khoản nợ trong một công ty thuộc tập đoàn. Sự ảnh hưởng của các quy định về thuế đối với việc xác định nơi vay nợ trong phạm vi các tập đoàn đa quốc gia đã được chứng minh trong một số nghiên cứu học thuật và các nghiên cứu này chỉ ra rằng các tập đoàn có thể dễ dàng tăng vay nợ ở cấp độ các công ty riêng lẻ trong tập đoàn thông qua việc cấp vốn trong nội bộ tập đoàn.
Công cụ tài chính cũng có thể được sử dụng để thực hiện các khoản thanh toán có tính kinh tế tương đương với lãi vay nhưng có hình thức pháp lý khác, do đó tránh được hạn chế về việc khấu trừ lãi vay. Rủi ro về Xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận trong lĩnh vực này có thể phát sinh trong ba trường hợp cơ bản như: Tập đoàn vay nợ bên thứ 3 nhiều hơn tại các nước có mức thuế suất cao; Tập đoàn sử dụng các khoản vay nội bộ để tạo ra các khoản khấu trừ lãi vay vượt quá chi phí lãi vay thuần thực tế từ bên thứ ba của tập đoàn; và Tập đoàn sử dụng các khoản vay từ bên thứ ba hoặc nội bộ tập đoàn để tài trợ cho việc tạo ra thu nhập được miễn thuế.
Để giải quyết những rủi ro này, Hành Động 4 của Kế hoạch hành động chống Xói mòn cơ sở tính thuế và Chuyển lợi nhuận (Kế hoạch hành động BEPS, OECD, 2013) đã đưa ra các khuyến nghị về thực tiễn tốt nhất trong việc thiết kế các quy tắc để ngăn chặn xói mòn cơ sở tính thuế thông qua việc sử dụng các chi phí lãi vay.
Báo cáo này phân tích một số thực tiễn tốt nhất và đề xuất một cách tiếp cận giải quyết trực tiếp các rủi ro nêu trên. Cách tiếp cận được đề xuất dựa trên một quy tắc tỷ lệ cố định để hạn chế việc khấu trừ của một công ty đối với các chi phí lãi vay thuần và các khoản thanh toán có tính kinh tế tương đương với lãi vay ở một mức tỷ lệ phần trăm lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định và khấu hao tài sản vô hình. Tỷ lệ này ít nhất nên được áp dụng cho các công ty trong tập đoàn đa quốc gia. Dù thực tế là không phải tất cả các quốc gia đều có vị thế như nhau nhưng để đảm bảo các quốc gia áp dụng một tỷ lệ cố định thấp vừa đủ để giải quyết BEPS, cách tiếp cận được đề xuất đã đưa ra một biên độ các tỷ lệ có thể áp dụng là từ 10% đến 30%...
Những nội dung cụ thể sẽ được các cơ quan tiếp tục bàn thảo. Kết quả sẽ được báo cáo đề xuất lên hội nghị của Bộ trưởng APEC diễn ra vào tháng 10/2017, tại Hội An, Quảng Nam.
Hiện nay Việt Nam đang là điểm đến của đầu tư quốc tế với 21.000 dự án và vốn đầu tư trên 288,5 tỷ USD. Việt Nam đang chuẩn bị đón nhận dòng đầu tư mới cho phát triển kinh tế và cũng là nguồn thu ngân sách bền vững trong tương lai. Số thu ngân sách từ đầu tư nước ngoài năm 2016 đã chiếm tỷ trọng 21% tổng số thu NSNN (trừ thu từ dầu), tương đương 3,1% GDP. Đồng thời tỷ trọng tổng kim ngạch XNK hàng hoá/GDP ở mức trên 150%. Do đó, việc tham gia thực hiện chương trình BEPS là một trong những bước tiến quan trọng đối với quá trình hội nhập quốc tế của ngành Thuế.