Hệ thống ưu đãi thuế của Việt Nam là rõ ràng và minh bạch
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khẳng định:
Hệ thống ưu đãi thuế của Việt Nam là rõ ràng và minh bạch, các quy định về chuyển giá của Việt Nam là chi tiết và toàn diện, có thể tương ứng với các nước.
* PV: Hiện nay, dư luận nói nhiều tới việc chuyển giá như là một mánh lới lách thuế của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam. Eurocham có nhận định gì về vấn đề này?
- Ông Thomas McClelland: Chúng tôi không tin rằng các DN thành viên của EuroCham đang tham gia vào các hoạt động "chuyển giá". Phần lớn thành viên EuroCham là các công ty đa quốc gia đã nhận thức và tuân thủ tốt các phần nghĩa vụ thuế công bằng ở nhiều quốc gia họ hoạt động và mong muốn thực hiện nghĩa vụ của họ đối với cộng đồng địa phương. Các thành viên EuroCham mong muốn hoàn thành nghĩa vụ thuế và đóng góp của họ chiếm phần lớn nguồn thu thuế của Việt Nam.
Nhưng ngoài ra, họ cũng muốn pháp luật cũng như việc thực thi luật phải rõ ràng và minh bạch. Theo kinh nghiệm của tôi với tư cách là Chủ tịch của Tiểu ban Thuế và Chuyển giá của
EuroCham, vấn đề quan trọng về luật thuế hiện nay là các DN thành viên đối mặt chủ yếu với các quy định chưa rõ ràng hoặc do quy trình thực thi, chứ không phải do quy định chuyển giá.
|
* PV: Ở đâu cũng nói tới chuyện công ty mẹ, công ty con chuyển giá, nhưng để xác định được là rất khó, vì việc chuyển giá được thực hiện trong một hệ thống khép kín. Hơn nữa, để xác định giá trong nước, giá nước ngoài như thế nào là việc không hề đơn giản. Kinh nghiệm của EuroCham trong vấn đề này là gì, thưa ông?
- Ông Thomas McClelland: Các DN có thể sử dụng các dữ liệu quốc tế để so sánh giá thành và lợi nhuận, trong phạm vi thông tin có sẵn của các công ty khác tại Việt Nam (điều này có thể là thách thức lớn). Các DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dữ liệu mà các cơ quan thuế đang sử dụng hoặc DN không có cơ sở để phản hồi ý kiến. Một trong các giải pháp tiềm năng nhất là “Thỏa thuận xác định giá trước” (APAs), cho phép người nộp thuế và cơ quan thuế thỏa thuận đồng ý một mức giá nhất định ngay từ đầu.
Khả năng kết thúc nhanh chóng một số thỏa thuận APAs sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với các nhà đầu tư mới và hiện tại, khích lệ các DN đóng thuế khác theo đuổi APAs. Điều này giúp cung cấp cho cả DN và cơ quan thuế sự xác thực trong nợ thuế/nguồn thu thuế của họ và tính xác thực là hết sức quan trọng đối với các DN.
Tuy nhiên để giải pháp APAs thành công, cơ quan thuế cần có đủ nguồn lực để thực hiện đàm phán và ký kết các APAs. Trong điều kiện hiện tại, điều này vẫn rất khó khăn, vì phần lớn nguồn lực được tập trung vào kiểm toán thuế.
* PV: Chủ trương của Chính phủ Việt Nam hiện nay là rất khuyến khích, kêu gọi đầu tư. Vậy, việc xử lý kiên quyết tình trạng trốn thuế và thịnh tình trên của Chính phủ có mâu thuẫn với nhau không? Khi xử lý những vấn đề này thì kinh nghiệm là gì, thưa ông?
- Ông Thomas McClelland: Theo tôi, không có xung đột giữa ưu đãi đầu tư và xử lý các hành vi trốn thuế. Hệ thống ưu đãi thuế của Việt Nam là rõ ràng và minh bạch, được xây dựng dựa trên luật pháp và áp dụng công bằng đối với các DN, miễn là họ đáp ứng các tiêu chí cụ thể về địa điểm hoặc ngành nghề. Hệ thống này không dựa trên những ưu đãi thiên vị cho một DN nào cả. Bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào đều phải có sự chấp thuận của Quốc hội. Những ưu đãi mới, ví dụ như cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, là một cách tốt để khuyến khích nội địa hóa, không giống như các quốc gia khác đã thực hiện và không bắt buộc các nhà sản xuất mua nguyên liệu nội địa. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Nhìn chung, các DN luôn mong muốn nộp thuế công bằng, nhưng vẫn mong đợi các quy định pháp luật rõ ràng và minh bạch. Khi đó, sẽ không có sự cố và mâu thuẫn giữa việc thực thi pháp luật cho các nhà đầu tư hiện tại hoặc nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, quy định không rõ ràng hoặc việc thực thi không thống nhất có thể sẽ tác động tiêu cực đối với nỗ lực khuyến khích đầu tư.
* PV: Bộ Tài chính được giao xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế, một nội dung khá phức tạp. Vậy, lời khuyên của ông là gì để việc xây dựng nghị định thật sự có hiệu quả?
- Ông Thomas McClelland: Các quy định về chuyển giá của Việt Nam là chi tiết và toàn diện, có thể tương ứng và so sánh được với các nước khác. Không có cơ sở rõ ràng để có thể kết luận rằng các quy định pháp luật này không có hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn hoan nghênh sự cải tiến, hướng dẫn chi tiết hơn cho người nộp thuế về việc làm thế nào để thực thi các quy định về thuế.
* PV: Xin cảm ơn ông!