HoREA kiến nghị giảm thủ tục cho người nước ngoài mua nhà

PV.

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở đối với vấn đề người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Người nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước. Ảnh internet
Người nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước. Ảnh internet

Về việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài là Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Hiện nay, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài nhưng cơ quan này không có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài). Căn cứ để xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu...

Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà. Trước tháng 05/1975, ở phía Nam, có phương thứcTòa án Dân sự được ra "án thế vì khai sinh" trên cơ sở khai trình của những người có liên quan, có hai nhân chứng có tuyên thệ, cam kết chịu trách nhiệm, để xử lý các trường hợp chưa có khai sinh hoặc không thể về quê gốc để trích lục khai sinh.

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua trong kỳ họp cuối năm 2015, Hiệp hội kiến nghị bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước.

Thời hạn sở hữu nhà tối đa là 50 năm

Đối với "trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại..." (điểm b, Khoản 4, Điều 7 dự thảo Nghị định), theo HoREA, dự thảo đưa ra quy định này không phù hợp và không đáp ứng được nguyện vọng, nhu cầu của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Hiệp hội đề nghị cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc diện được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhận chuyển nhượng nhà ở của người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở trong thời hạn tối đa là 50 năm.

Tương tự như trường hợp quy định trong điểm a, Khoản 4, Điều 7 (dự thảo Nghị định) cho phép người Việt Nam định cư nước ngoài, cá nhân trong nước khi mua lại nhà ở của người nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở ổn định lâu dài nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Hai là về quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài khi hết thời hạn sở hữu nhà ở được phép gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ khi có nhu cầu tại điểm c, Khoản 2, Điều 161 Luật Nhà ở.

Theo đề nghị của HoREA, bổ sung dự thảo Nghị định quy định khi được quyền gia hạn quyền sở hữu nhà ở, cá nhân, tổ chức nước ngoài không phải chịu thêm kinh phí nào khác ngoài khoản lệ phí hành chính.

Cấp visa với thời hạn dài

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn cá nhân, tổ chức nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ tổ chức tín dụng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà ở hoặc thủ tục vay của những chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động ở Việt Nam để mua nhà ở.

Đối với thời hạn cấp visa đối với cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Xây dựng, Bộ Công an thống nhất cấp visa với thời hạn dài với khoảng từ 1-3 năm và được xuất nhập cảnh nhiều lần, phù hợp với thông lệ của quốc tế.