Hướng dẫn về quản lý và sử dụng chứng từ thu tiền phí, lệ phí

PV.

Kể từ ngày 1/1/2017, cơ quan Thuế, tổ chức thu phí, lệ phí được tạo biên lai theo hình thức đặt in, tự in và điện tử... theo quy định tại Thông tư số 303/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, Thông tư số 303/2016/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước (sau đây gọi là biên lai) của tổ chức thu phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí.

Các tổ chức thu phí, lệ phí; Người nộp phí, lệ phí; Tổ chức nhận in biên lai, tổ chức cung ứng phần mềm tự in biên lai, tổ chức trung gian cung ứng giải pháp biên lai điện tử; Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến kê khai, thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước là đối tượng áp dụng tại Thông tư này.

Thông tư quy định về nguyên tắc tạo biên lai của cơ quan Thuế, tổ chức thu phí, lệ phí được tạo biên lai theo hình thức đặt in, tự in và điện tử. Biên lai (loại không in sẵn mệnh giá) do Cục Thuế đặt in được bán cho các tổ chức thu phí, lệ phí theo giá đảm bảo bù đắp chi phí in ấn, phát hành.

Biên lai được thể hiện bằng các hình thức sau:

Biên lai đặt in là biên lai do tổ chức thu phí, lệ phí đặt in theo mẫu để sử dụng khi cung ứng các dịch vụ công có thu phí, lệ phí hoặc do cơ quan thuế đặt in để bán cho các tổ chức thu phí, lệ phí; Biên lai tự in là biên lai do tổ chức thu phí, lệ phí tự in trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các thiết bị khác khi cung ứng các dịch vụ công có thu phí, lệ phí; Biên lai điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về cung ứng dịch vụ công của tổ chức thu phí, lệ phí được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý bằng phương pháp điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Trường hợp đặt in biên lai, tổ chức thu phí, lệ phí được lựa chọn tổ chức nhận in đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện in hóa đơn để ký hợp đồng đặt in biên lai thu tiền phí, lệ phí thuộc nhiệm vụ thu của tổ chức đó.

Đối với biên lai điện tử, việc xác định số biên lai theo nguyên tắc liên tục và trình tự thời gian, mỗi số biên lai đảm bảo chỉ được lập và sử dụng một lần duy nhất.

Theo Thông tư, tổ chức thu phí, lệ phí có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng biên lai hàng quý theo quy định sau: Quý I nộp chậm nhất là ngày 30/4, quý II nộp chậm nhất là ngày 30/7, quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10 và quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau.

Tổ chức nhận in biên lai đặt in có trách nhiệm báo cáo với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp về việc nhận đặt in biên lai định kỳ 6 tháng một lần, chậm nhất là ngày 30/7 và 30/1 của năm sau với nội dung báo cáo thể hiện: Tên, mã số thuế, địa chỉ tổ chức đặt in biên lai; số, ngày hợp đồng; tên biên lai; ký hiệu mẫu biên lai; ký hiệu biên lai; số lượng biên lai đã in (từ số ... đến số) cho từng tổ chức.

Cơ quan Thuế có trách nhiệm căn cứ nội dung phát hành biên lai, các báo cáo về biên lai do tổ chức thu phí, lệ phí, tổ chức nhận in biên lai gửi đến để xây dựng hệ thống thông tin về biên lai trên trang thông tin điện tử của cơ quan Thuế.

Thông tư số 303/2016/TT-BTC thay thế Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước.