Hướng tới kho bạc số
Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định tại Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN)đến năm 2030 là hoàn thành xây dựng Kho bạc số. Để thực hiện mục tiêu này, hệ thống Kho bạc Nhà nướcđã và đang tiến hành đồng bộ các giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, về hoạt độngnghiệp vụ quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quản lý ngân quỹ…
Kho bạc số góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số
Kho bạc số là một bộ phận cấu thành của Chính phủ số. Việc xây dựng thành công Kho bạc số góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số để đạt tới mục tiêu cuối cùng là hiện đại hóa hệ thống quản lý và tiếp tục thúc đẩy Chuyển đổi số trong toàn xã hội, kinh tế, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái số mở, lành mạnh và an toàn.
Có thể hình dung, Kho bạc số là Kho bạc mà ở đó mọi tác nhân đều có thể tương tác trên nền tảng số, theo chính sách, quy trình nghiệp vụ và phương thức quản trị lấy người dùng trong và ngoài ngành làm trung tâm phục vụ; lấy việc khai thác và phân tích dữ liệu số là năng lực mới hỗ trợ cho điều hành và ra quyết định. Nếu như Kho bạc điện tử với “3 không”: Không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ thì Kho bạc số thêm “3 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu.
Theo đánh giá của KBNN, khi hình thành, Kho bạc số tập trung vào việc cải cách và chuyển đổi mô hình dựa trên dữ liệu, trong đó, các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ vào các tác vụ hằng ngày, phục vụ cho việc tăng cường gắn kết với tổ chức, đơn vị, cá nhân giao dịch và thực hiện trên nền tảng xử lý thông tin. Đặc biệt, mô hình Kho bạc số hướng tới cung cấp dịch vụ thay vì quản lý hành chính như hiện nay. Với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất, người dùng có thể, đăng ký và sử dụng dịch vụ ở bất cứ nơi nào, kết quả sẽ được trả tận nơi, không cần đến giao dịch trực tiếp, từ đó, nâng cao chất lượng phục vụ của Kho bạc, tạo niềm tin rất lớn cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân vào KBNN nói riêng và các cơ quan nhà nước, Chính phủ nói chung.
Ngoài ra, do dựa trên nền tảng số, với việc khai thác, chia sẻ dữ liệu để phục vụ người dùng một cách nhanh chóng, thuận lợi, cung cấp nhiều tiện ích sẽ tạo thế chủ động cho người dùng theo hướng phục vụ tổ chức, đơn vị, cá nhân theo nhu cầu của họ, đồng thời, hữu ích cho các công chức, các đơn vị của KBNN và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc quản lý, triển khai, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. KBNN đã ban hành kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin (CNTT) hướng tới Kho bạc số gồm: Kiến trúc nghiệp vụ; kiến trúc dữ liệu, kiến trúc ứng dụng; kiến trúc kỹ thuật - công nghệ và kiến trúc an toàn thông tin. Trong đó, kiến trúc nghiệp vụ gồm 05 nghiệp vụ chính là quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước; tổng kế toán nhà nước và báo cáo ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước; huy động vốn và quản lý ngân quỹ; thanh tra; nghiệp vụ khác và hoạt động nội bộ.
Một số khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện
Trong quá trình triển khai hướng tới Kho bạc số, hệ thống KBNN cũng gặp
một số khó khăn, thách thức:
Cụ thể, về CNTT, kiến trúc CNTT của KBNN nói riêng và hầu hết các đơn vị ở Việt Nam nói chung là kiến trúc đơn thể (monolythics), hướng mở rộng theo chiều dọc cho từng hệ thống, chưa theo hướng mở rộng theo chiều ngang để phục vụ được rộng rãi hơn khi lượng người dùng tăng lên đột biến. Các hệ thống CNTT của KBNN mới bắt đầu đẩy mạnh việc phục vụ đơn vị sử dụng ngân sách, tổ chức, người dân; nghiệp vụ còn rời rạc khi thực hiện trên nhiều hệ thống. Mức độ liên thông giữa các ứng dụng CNTT tại KBNN với các chương trình ứng dụng có liên quan và giữa KBNN với các đơn vị khác như cơ quan ra quyết định xử phạt; cơ quan thu phí, lệ phí... chưa cao, các hệ thống hoạt động chưa rõ nét kiến trúc về tích hợp chia sẻ dữ liệu để hình thành một nền tảng thống nhất xuyên suốt.
Về quản lý quỹ NSNN, chưa có đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý để thực hiện kiểm soát chi theo kết quả đầu ra, theo nhiệm vụ và chương trình ngân sách; vẫn còn một số khoản chi chưa được thực hiện theo quy trình chung về kiểm soát chi NSNN qua KBNN như các khoản chi theo lệnh chi tiền của cơ quan tài chính.
Bên cạnh đó, về kế toán nhà nước, chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam chưa được ban hành đầy đủ. Luồng dữ liệu của KBNN chưa được số hóa đầy đủ, một số nghiệp vụ vẫn còn sử dụng bản giấy và chưa được kết nối với các cơ quan liên quan. Ngoài ra, do mô hình tổ chức bộ máy được bố trí theo địa bàn hành nên việc triển khai các ứng dụng mất khá nhiều công sức trong việc hỗ trợ và hướng dẫn.
Giải pháp triển khai Kho bạc số
Để triển khai Kho bạc số thành công, KBNN tập trung nguồn lực thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:
Về ứng dụng công nghệ số, xây dựng và triển khai kiến trúc CNTT của KBNN phù hợp với kiến trúc của Chính phủ; Số hóa các nghiệp vụ KBNN và cung cấp dữ liệu mở về tài chính - NSNN cho phép cung cấp các dịch vụ số, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị và có khả năng truy cập, khai thác thông tin rộng rãi; Ứng dụng hiệu quả các công nghệ số (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo…) trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Kho bạc số để tối ưu hóa các quy trình quản lý, quản trị và cung cấp dịch vụ của KBNN; Phát triển phương thức cung cấp dịch vụ trực tuyến qua các thiết bị di động trong lĩnh vực quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ và huy động vốn, KTNN, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Về hoạt động nghiệp vụ, trong quản lý quỹ NSNN, KBNN nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng kỹ thuật để thực hiện liên thông dữ liệu số về các khoản thu NSNN (thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính) giữa KBNN và cơ quan thuế, hải quan, hệ thống ngân hàng, trung gian thanh toán, Cổng dịch vụ công quốc gia và các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan; Xây dựng cơ sở dữ liệu thu NSNN cho toàn bộ các khoản thu NSNN; triển khai các dịch vụ số về thu NSNN nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc nộp và theo dõi thông tin…
Trong quản lý ngân quỹ và huy động vốn, cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN để nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính của Nhà nước; Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ, nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa; Thực hiện phát hành và quản lý danh mục trái phiếu chính phủ chủ động, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu của chiến lược, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm.
Đối với tổng kế toán nhà nước và quyết toán ngân sách, báo cáo tài chính nhà nước, mở rộng phạm vi tổng kế toán nhà nước theo lộ trình triển khai kế toán dồn tích tại các đơn vị kế toán, đảm bảo bao quát được toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước, tài sản tài chính, tài sản phi tài chính và nghĩa vụ nợ của Nhà nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước.
Hướng tới mục tiêu Kho bạc số, KBNN đặc biệt chú trọng vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. KBNN tiến hành nghiên cứu về tổ chức bộ máy theo mô hình 2 cấp (tại trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại các đơn vị Kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện); Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, có phẩm chất đạo đức tốt và bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chuyên nghiệp cao, có trình độ, kỹ năng, có năng lực sáng tạo dựa trên cơ chế cạnh tranh về tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và đề bạt, nhằm đáp ứng yêu cầu công vụ.