IPO có là giấc mơ xa vời với startup?
Thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang là một thách thức bởi những ràng buộc về pháp lý và cả những vấn đề đến từ nội tại.
Rất nhiều doanh nghiệp khi thành lập đều mong muốn doanh nghiệp của mình có thể tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau đó là niêm yết trên sàn chứng khoán để có thể huy động được một lượng vốn khổng lồ và "sánh vai" cùng các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính đây là "việc tốt nên làm" nhưng nếu có sai sót cái giá phải trả là không nhỏ.
Cột mốc quan trọng
Trong suốt nhiều năm qua mới chỉ có CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG) là một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) thực hiện được IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chia sẻ trong một hội thảo mới đây về quá trình IPO của Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT tập đoàn cho biết, Yeah1 đã phải chuẩn bị đến 12 năm để chuẩn bị cho quá trình này.
"Đó là sự chuẩn bị dài hơi, chiến lược cụ thể trong đó xác định doanh nghiệp mình là công ty đại chúng, không phải công ty "gia đình". Trước khi IPO 5 năm, Yeah1 phải thuê công ty kiểm toán chuẩn bị hồ sơ pháp lý tài chính để đảm bảo quá trình được diễn ra thuận lợi", ông Tống cho biết.
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không "đổ tiền" để nhận cổ tức mà là muốn giá cổ phiếu tăng cao (Ảnh: internet) |
Cũng theo ông Tống, IPO là một cuộc chơi thú vị, doanh nghiệp sẽ nhận được những thuận lợi cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất khi doanh nghiệp lên sàn là nắm được cơ hội bán cổ phiếu để thu hồi vốn trang trải khi cần; về tinh thần đây là động lực để công ty có những tiêu chuẩn vận hành nhằm phát triển hơn nữa.
"IPO là giấc mơ không bao giờ từ bỏ của Yeah1 vì bất cứ lý do gì, 12 năm của Yeah1 là một quãng thời gian dài không phải trông chờ vào vận may như mua tờ vé số mà là thành tựu của quá trình kiên trì phấn đấu theo đuổi mục tiếu lâu dài", ông Tống chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống về sự quan trọng của IPO đối với các starup, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho rằng, việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chứng là điều kiện tiên quyết mà doanh nghiệp phải hướng đến nếu mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị nhờ tiếp cận được nguồn vốn rẻ.
Ngoài nguồn vốn và tạo động lực cho doanh nghiệp nghiệp phát triển, IPO còn là cú hích tạo nên một đội ngũ nhân viên năng lực tạo được hiệu quả cao hơn trong lợi ích công việc. So với việc phát hành trái phiếu, IPO có những thuận lợi mang lại nhiều giá trị hơn. IPO còn giúp các start up không cần phải hoàn trả quỹ vốn thu được từ việc phát hành cổ phiếu.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp không phải để thu cổ tức mà là để có cơ hội bán được cổ phiếu với giá cao cũng là bước khởi đầu cho quá trình doanh nghiệp công khai giá trị hoạt động tài chính.
Nhưng không dễ thực hiện
Cơ hội mà IPO mang đến cho các doanh nghiệp nói chung và start up nói chung là điều không thể phủ nhận nhưng đồng hành với đó luôn là những thách thức.
Theo bà Nguyễn Hồng Mai - Tổng giám đốc Công ty tài chính Tâm Anh, khi IPO những nhân sự chủ chốt các vấn đề điểm yếu tài chính tạm thời có thể bị lộ và đối thử sẽ khai thác được. Ngoài ra, phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu đó là điều kiện để nhà đầu tư chú ý bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá mới đầu tư.
Quay trở lại với câu chuyện của Yeah1, cổ phiếu YEG đã từng là một ngôi sao trên thị trường chứng khoán khi chào sàn với mức gía tham chiếu 250.000 đồng/cp và tăng trần liên tiếp những phiên sau đó lên mốc 340.000 đồng/cp - gần như cao nhất sàn chứng khoán thời điểm đó.
Tuy nhiên cùng với sự hân hoan của các nhà đầu tư là sự vào cuộc của những chuyên gia phân tích với những nhận định như: giá cổ phiếu quá khủng so với lợi nhuận, có bóng dáng của "đội lái", dùng chiêu đẩy giá... và những "lắt léo" trong phi vụ chuyển nhượng giữa các cổ đông cũng lần lượt phải công khai.
Dấu mốc khiến YEG từ "ngôi sao" trở thành "con ghẻ" của thị trường chứng khoán là sự cố liên quan đến Youtube ngừng hợp tác với Yeah1 khiến cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp, hiện chỉ còn giao dịch tại mức giá dưới 50.000 đồng/cp, giảm 5 lần so với giá chào sàn. YEG gần như đánh mất niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán làm ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp.
Nhìn vào đây có thể thấy IPO không hẳn là giấc mơ xa vời nhưng lại là giấc mơ khó thành hiện thực. Theo ông Lê Minh Chánh - nhà sáng lập BizUni, IPO với các starup ở Việt Nam là rất khó bởi hầu hết đều đang kinh doanh thu lỗ, lên được thị trường rồi cũng khó tìm kiếm được người mua cổ phiếu.
Ông Lê Hoài Ân, Trưởng phòng phân tích Merlin Capital, thì cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Như trong cả năm 2019, có 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỉ đồng nhưng 80% số này là đổ vào mười công ty lớn. Vì vậy, cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là huy động vốn hay là gì. Nếu đang tiếp cận được vốn ngân hàng thì cứ tiếp tục, thay vì lên sàn.
Thêm vào đó, theo ông Ân, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành nghề của doanh nghiệp. Những ngành sản xuất như nhựa, bao bì… rất khó lên sàn, nếu có thì cũng khó huy động vốn. “Muốn IPO thì phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm”, ông Ân cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để có được nguồn vốn đáng kể doanh nghiệp phải chịu các rủi ro nếu như có sai sót, người đứng đầu có thể mất quyền điều hành và kiểm soát kinh doanh. Đặc biệt là nghĩa vụ phải minh bạch mọi hoạt động tài chính, công khai thông tin trong khi đây lại là điểm cốt yếu của các startup.