Khai thác dữ liệu để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu

Theo Khánh Trình/daibieunhandan.vn

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu (data) được xem là nguồn lực sống còn, là tài sản quan trọng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp biết cách khai thác, dữ liệu là nguồn thông tin có giá trị rất lớn phục vụ đắc lực cho việc mở rộng kinh doanh, xuất khẩu.

Đại diện doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp dữ liệu toàn cầu tại hội thảo "Chiến lược khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu" vừa được ITPC phối hợp Liên minh chuyển đổi số DTS tổ chức.
Đại diện doanh nghiệp tìm hiểu các giải pháp dữ liệu toàn cầu tại hội thảo "Chiến lược khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu" vừa được ITPC phối hợp Liên minh chuyển đổi số DTS tổ chức.

Trong xu hướng phát triển các đô thị thông minh, chính phủ số, doanh nghiệp số, công dân số, xã hội số, việc phát triển tốt một tổ chức hay một doanh nghiệp, ngoài vốn và nhân lực thì dữ liệu được xem là nguồn lực không thể thiếu. Bà Trần Xuân Trang, Trưởng phòng Huấn luyện, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC), cho biết, có rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp biết cách tổ chức quản lý và khai thác tốt cơ sở dữ liệu bên trong và bên ngoài.

Điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Việc cải tiến quy trình và chính sách sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc ra quyết định cũng như phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng hiệu quả hơn những thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, để lãnh đạo doanh nghiệp có thể hiểu và khai thác, sử dụng dữ liệu một cách có hiệu quả, khoa học và phù hợp với năng lực tài chính thì cần có chiến lược rõ ràng. Đây là một chặng đường dài và doanh nghiệp cần có góc nhìn từ chiến lược đến thực thi việc tổ chức và khai thác dữ liệu để quản trị và mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, khó đưa ra con số chính xác để chứng minh về hiệu quả khi các doanh nghiệp ứng dụng các cơ sở dữ liệu để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn để đẩy mạnh triển khai, ứng dụng các dữ liệu tổ chức bên trong và cải thiện hiệu quả khai thác dữ liệu khách hàng bên ngoài. Qua đó, các doanh nghiệp thực hiện tốt hai vấn đề này, mức độ tăng trưởng có thể đạt từ 20 đến 30% so với khi chưa thực hiện, ứng dụng các dịch vụ dữ liệu toàn cầu.

Các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý, trước khi giao thương nên sử dụng dịch vụ về cơ sở dữ liệu toàn cầu để tra cứu thông tin một cách chi tiết cũng như về mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp đó. Hiện, có rất nhiều tổ chức xếp hạng, đánh giá mức độ toàn cầu và đưa ra những thang điểm, những doanh nghiệp rủi ro cao có mức đánh giá tín nhiệm thấp và ngược lại.

Tổng Giám đốc Crif D&B Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp biết cách khai thác cơ sở dữ liệu để đưa ra chiến lược mở rộng kinh doanh, xuất khẩu còn khá khiêm tốn, chỉ có hơn một triệu doanh nghiệp đăng ký sử dụng các công cụ phân tích cơ sở dữ liệu toàn cầu để tìm hiểu thông tin các đối tác cũng như tự quảng bá cho doanh nghiệp mình.

Trong số này, chỉ có khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Trong khi đó, ở Trung Quốc, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện quảng bá các thế mạnh của doanh nghiệp lên các dữ liệu toàn cầu chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đó là một trong những yếu tố giúp Trung Quốc trở thành công xưởng xuất khẩu lớn của thế giới. Các doanh nghiệp nước ngoài khi đến thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh trong xuất, nhập khẩu gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn thông tin.

Các doanh nghiệp trong nước tự quảng bá, đưa những thông tin lên các hệ thống dữ liệu toàn cầu chưa được mạch lạc để các đối tác biết đến. Do đó, khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước có thể sử dụng các dịch vụ phân tích dữ liệu, tìm kiếm dữ liệu toàn cầu để tìm hiểu các đối tác khi muốn giao dịch, hợp tác kinh doanh, xuất khẩu.

Hàng chục năm qua, Crif D&B đã thu thập dữ liệu của hơn 300 triệu doanh nghiệp trên toàn cầu và phân ngạch ngành cũng như tìm hiểu sức mạnh tài chính, mức độ uy tín, pháp lý của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác để hợp tác kinh doanh rất thuận tiện và tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh về tổ chức thông tin, quảng bá thông tin để các đối tác nước ngoài biết đến mình. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ định danh toàn cầu. Dịch vụ này sẽ cung cấp thông tin một cách chi tiết, hoàn toàn rõ ràng, minh bạch về các thế mạnh để các đối tác tìm hiểu một cách nhanh nhất.

Phó Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh Phí Anh Tuấn nhấn mạnh, giá trị doanh nghiệp sẽ được định nghĩa lại trong nền kinh tế số và dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn của doanh nghiệp. Việc thu thập, khai thác dữ liệu đúng và khoa học là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng dịch vụ dữ liệu để mở rộng thị trường và quản trị rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình. Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn… sẽ là công cụ hỗ trợ giúp doanh nghiệp phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, năng suất hơn.

Bà Trần Xuân Trang cho biết thêm, tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của doanh nghiệp về khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu, ITPC dự định triển khai các chủ đề tiếp theo bao gồm tổ chức quản trị dữ liệu trong doanh nghiệp, quản trị rủi ro dữ liệu trong kinh doanh và mở rộng thị trường... qua đó, giúp các doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp những kiến thức, thông tin hữu ích về chuyển đổi số trong việc quản lý dữ liệu, khai thác hiệu năng dữ liệu sẵn có.