Khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công hợp lý, hiệu quả
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính tại buổi họp báo chuyên đề “Những điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công” do Bộ Tài chính tổ chức chiều 25/5. Tham dự buổi Họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đông đảo phóng viên cơ quan thông tấn báo chí.
Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm hướng đến quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn, đẩy lùi thất thoát, lãng phí, tham nhũng và những hành vi khác xâm phạm tài sản công; Khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công hợp lý, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước;...
Đặc biệt, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công góp phần nâng cao tính răn đe, quản lý chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, dự thảo Luật quy định cụ thể các hành vi bị cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công và chế tài xử lý vi phạm, các hành vi gây thiệt hại về tài sản công, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính đánh giá, với Dự thảo này đã thể hiện được nhiều nội dung đổi mới quan trọng cho công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công.
Cụ thể, đối với sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được quyền tự chủ cao hơn về tài sản so với các đơn vị khác. Đây cũng là tiền đề để các đơn vị sự nghiệp công lập dần tiến tới tự chủ, giảm sự bao cấp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Từ chủ trương đó, Dự thảo Luật tiếp tục cho phép các đơn vị sự nghiệp có khả năng xã hội hóa được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết như Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành nhưng không quy định đơn vị phải làm thủ tục để xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp như hiện nay mà tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập đều có quyền khai thác tài sản công khi đủ các điều kiện theo quy định.
Bàn về những nội dung đổi mới của Dự thảo, ông Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh, Dự thảo Luật quy định theo hướng ưu tiên giao quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho các tổ chức có năng lực; phương thức đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng tự tổ chức khai thác tài sản chỉ được áp dụng trong các trường hợp: tài sản kết cấu hạ tầng có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, không có tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện các phương thức khác, áp dụng phương thức trực tiếp tổ chức khai thác tài sản hiệu quả hơn các phương thức khác.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định việc chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng, cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng đều phải thực hiện thông qua đấu giá.
Tại buổi Họp báo ông Nguyễn Tân Thịnh cũng đã trả lời xác đáng một số vấn đề được phóng viên quan tâm đặt câu hỏi về xe sang, xe biếu tặng; đổi đất lấy hạ tầng; cơ chế khoán đối với xe ô tô công; sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước…