Khi thị trường chứng khoán chậm lớn
Điều đọng lại sau khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận dự án Luật Chứng khoán sửa đổi cuối tuần qua là tâm lý sốt ruột trước tình trạng “chậm lớn” của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Khả năng bơm vốn còn nhỏ
Chia sẻ tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ðinh Tiến Dũng cho biết, nếu như năm 2006, TTCK chỉ có khoảng 200 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa khoảng 221.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 22,7% GDP năm 2006, thì đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch, với giá trị vốn hóa thị trường đạt khoảng 3,961 triệu tỷ đồng, tương đương 71,6% GDP năm 2018; dư nợ trái phiếu chính phủ niêm yết đạt 1,121 triệu tỷ đồng, tương đương 20,3% GDP năm 2018.
Thống kê trên cho thấy, quy mô của TTCK đã tăng trưởng khá nhanh thời gian qua. Tuy nhiên, nếu xét sâu trong mối tương quan so sánh với thị trường tiền tệ trong cung ứng vốn cho nền kinh tế thì TTCK chưa hề lớn.
Mặt khác, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hết năm 2018, quy mô của TTCK Việt Nam tương đương 109% GDP (bao gồm cả thị trường cổ phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp), trong khi tỷ lệ tín dụng/GDP đạt khoảng 134% cũng thể hiện sự hạn chế trong cung ứng vốn của thị trường này.
“Việt Nam hiện là một trong những nước hiếm hoi có tỷ trọng tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu trên GDP thấp hơn tổng giá trị tín dụng ngân hàng, trong khi ở nhiều quốc gia lân cận, tỷ lệ này là ngược lại”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói. Cụ thể, tại Việt Nam, tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng/vốn hóa thị trường chứng khoán là 134%/109%, trong khi tại Singapore là 140,8%/243%, Malaysia là 140%/145%, Thái Lan là 129%/200%…
Theo ông Bảo, việc tỷ lệ tín dụng cho nền kinh tế năm 2018 chiếm tới hơn 130% GDP cho thấy kênh rót vốn chủ yếu, bao gồm cả vốn trung hạn và dài hạn, vẫn phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng. Do bản chất hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại là cấp vốn ngắn hạn và lưu động, với cơ cấu 70% tiền gửi ngân hàng là ngắn hạn như hiện nay sẽ gây rủi ro cho các ngân hàng nói riêng, nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, quy mô đóng góp của TTCK vào tài trợ vốn cho nền kinh tế còn khá hạn chế.
Tăng tỷ trọng cung ứng vốn từ 14% lên 60-70%, bao giờ?
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ trọng cung vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tính theo giá trị phát hành thực tế năm 2018 chiếm 14% tổng cung ứng vốn, trong khi quy mô vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết mới chiếm 71,6% GDP, dư nợ trái phiếu chính phủ khoảng 20,3% GDP.
Từ thực tế này, ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, TTCK mới san sẻ được một phần gánh nặng với thị trường tiền tệ trong tài trợ vốn cho nền kinh tế.
"TTCK Việt Nam có lớn, nhưng chưa mạnh. Chỉ khi nào tỷ trọng cung ứng vốn từ thị trường vốn cho nền kinh tế tăng từ 14% như hiện tại lên 60-70% thì khi đó TTCK mới thực sự mạnh...”, ông Chiểu nhấn mạnh.
Tăng tỷ trọng cung ứng vốn của TTTCK đang là bài toán lớn, mang tính tổng thể của nền kinh tế, mà theo các chuyên gia, cần có giải pháp từ nhiều bộ, ngành liên quan trong quá trình sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp… đang được thúc đẩy. Riêng với hệ thống pháp luật chứng khoán, TTCK chỉ có thể được “làm lớn” khi Luật Chứng khoán sửa đổi lần này có được hệ thống giải pháp đột phá, có tính khả thi để gia tăng tính hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường, gắn liền với nâng cao niềm tin trong nhà đầu tư.
Ðể chứng minh cho nhận định TTCK hiện nay vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân, dẫn đến việc huy động vốn trong dân, huy động nguồn tiền nhàn rỗi chưa thực sự hiệu quả, ông Nguyễn Ngọc Bảo dẫn số liệu khảo sát của Công ty Nielsen (Mỹ) trong quý II/2018 và cho biết, có hơn 70% người dân Việt Nam có xu hướng gửi tiết kiệm nếu có tiền nhàn rỗi, thay vì đầu tư vào TTCK. Bởi vậy, theo ông Bảo, việc sửa đổi Luật Chứng khoán là hết sức cần thiết để đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, là cơ sở phát triển thị trường vốn để chia sẻ với hệ thống ngân hàng, bảo đảm tính bền vững, ổn định của nguồn vốn.
Ðể đạt mục tiêu trên, các thành viên thị trường, các chuyên gia cũng như đại biểu Quốc hội cho rằng, điều quan trọng là cùng với đa dạng hóa sản phẩm, việc nâng cao chất lượng cổ phiếu, minh bạch thông tin phải được đặt lên hàng đầu, nhằm tạo niềm tin và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào TTCK Việt Nam, giúp thị trường này trở thành kênh huy động nguồn tiền nhàn rỗi của người dân một cách hiệu quả.
Ðồng thời, việc hình thành Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam gắn với phân bảng theo các khu vực thị trường không chỉ cắt giảm các khâu trung gian, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạnh công nghiệp 4.0, mà còn tiết kiệm chi phí cho xã hội, nhà đầu tư; việc trao thêm thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) theo hướng tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm là cần thiết, đặc biệt trong xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng như thao túng, giao dịch nội gián…, cũng như trong xử lý các tình huống mang tính phản ứng nhanh với các diễn biến bất thường của thị trường. Cùng với đó, việc thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm cũng cần đảm bảo nghiêm khắc, có tính răn đe cao...
Cần tăng quyền, nhưng cũng cần có cơ quan kiểm soát UBCK để đảm bảo minh bạch...
TS. Hoàng Văn Cường, Ðại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó hiệu trưởng Trường Ðại học Kinh tế quốc dân
Chúng ta cần phải xem xét kỹ về trách nhiệm kiểm soát tính minh bạch trên TTCK. Chứng khoán vốn là hàng hóa có nguy cơ rơi vào tình trạng thông tin bất đối xứng, tức là chỉ có người phát hành ra cổ phiếu đó biết được thực chất nội tại của doanh nghiệp, trong khi những người mua chứng khoán khó mà nắm rõ điều này.
Tính minh bạch sẽ phụ thuộc vào 3 chủ thể: Một là người cung cấp thông tin; hai là cơ quan kiểm toán độc lập; ba là cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy, ngoài quy định xử phạt đối với vi phạm trong cung cấp thông tin, cần phải tăng trách nhiệm trong đảm bảo tính chính xác các báo cáo của kiểm toán độc lập, cũng như tăng vai trò, trách nhiệm của UBCK trong việc kiểm soát các thông tin thị trường và ngược lại, cũng cần có một cơ quan kiểm soát lại những hoạt động của UBCK để đảm bảo sự minh bạch.
Ðể TTCK hoạt động minh bạch, hiệu quả, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đã đưa ra chế tài xử phạt rất nặng những nhà đầu tư có hành vi làm giá cổ phiếu, thao túng thị trường. Về phía cá nhân, tôi đồng tình áp dụng mức phạt gấp 10 lần so với khoản thu lợi bất hợp pháp mang lại...
Luật Chứng khoán sửa đổi cần tiếp nối tinh thần cởi mở của Luật Doanh nghiệp 2005
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Nhà đầu tư tại Hà Nội
Nếu không có Luật Doanh nghiệp 2005 cởi mở, thông thoáng trong việc thành lập mới các doanh nghiệp, thì làm sao hôm nay Việt Nam có được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân hùng hậu, với những thương hiệu lớn như Vingroup, Hoà Phát, VietJet Air…, làm sao tạo ra hàng chục triệu việc làm và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước? Lực lượng này đang ngày đêm trăn trở để tìm hướng phát triển kinh doanh, cống hiến cho kinh tế quốc gia với rất nhiều sản phẩm thiết yếu và quan trọng trong nền kinh tế…
Nếu dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tiếp nối tinh thần thông thoáng, cởi mở của Luật Doanh nghiệp 2005 thì trong vòng 10 năm, hoặc chậm nhất 20 năm nữa, TTCK Việt Nam sẽ có bước phát triển vượt bậc, ngành quản lý quỹ trong nước sẽ có những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, thậm chí là thế giới. Chúng ta không thể mãi trông chờ vào các quỹ ngoại, mà với khả năng và kinh nghiệm của đội ngũ hành nghề chứng khoán trong nước, một khi cơ chế, chính sách cởi mở, thì sẽ hình thành lớp tổ chức kinh doanh chứng khoán mới, từ đó tạo ra sức cạnh tranh cần phải có để thúc đẩy TTCK phát triển chuyên nghiệp, năng động hơn.