Kho bạc Nhà nước: Tăng cường liên kết, cung cấp dịch vụ


Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) cần tiếp tục hiện đại hóa quy trình quản lý; đề xuất mô hình hệ thống thông tin để có thể đáp ứng yêu cầu Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp các dịch vụ cho khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện.
Hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục phát triển các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp các dịch vụ cho khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện.

Đề xuất mô hình hệ thống thông tin mới

Định hướng của Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 là: Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo mô hình quản lý, quản trị hiện đại, phục vụ người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số với 03 trụ cột phát triển chính:

Một là, cơ chế, chính sách đồng bộ, toàn diện; quy trình nghiệp vụ được đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), huy động vốn cho NSNN và tổng kế toán nhà nước (KTNN);

Hai là, tổ chức bộ máy tinh gọn theo mô hình kho bạc 2 cấp (cấp điều hành và cấp thực hiện);

Ba là, toàn bộ các hoạt động quản lý, quản trị, cung cấp dịch vụ của KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, có sự kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Với mục tiêu đến năm 2025 đưa KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Kho bạc số, KBNN đã đưa ra các bài toán quan trọng, trong đó có lộ trình chuyển đổi và bước đi phù hợp từ Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) và các hệ thống CNTT hiện tại để hình thành Hệ thống thông tin ngân sách và kế toán nhà nước số (VDBAS). Hệ thống VDBAS có thể liên thông dữ liệu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan và mở rộng, tăng cường dịch vụ cung cấp trên nền tảng số của KBNN.

Theo đó, hệ thống VDBAS sẽ được áp dụng cho tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (gửi trực tiếp trên hệ thống các yêu cầu/dữ liệu tài chính tới KBNN), các đơn vị dự toán các cấp (thực hiện phân bổ dự toán cho đơn vị dự toán/đơn vị sử dụng ngân sách cấp dưới), hệ thống KBNN, hệ thống cơ quan tài chính, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ ngân sách.

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển, hệ thống KBNN cần tiếp tục phát triển các hệ thống CNTT cung cấp các dịch vụ cho khách hàng giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, công khai, vừa tạo kênh liên kết số với các tổ chức có liên quan để cùng nhau cung cấp dịch vụ, hiện đại hóa quy trình quản lý trong điều kiện mới. Song song với đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất mô hình hệ thống thông tin mới, đáp ứng nhu cầu quản lý, phù hợp với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng cường liên kết, liên thông dữ liệu

Giai đoạn 2021-2025, KBNN tập trung phát triển dữ liệu số theo hướng đẩy mạnh việc liên kết liên thông dữ liệu với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương; cung cấp các dịch vụ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; từng bước chia sẻ dữ liệu mở; đồng thời triển khai các dịch vụ cơ bản về phân tích rủi ro hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành dựa vào dữ liệu hướng tới mục tiêu xây dựng kho bạc dựa trên dữ liệu số.

Song song với đó, KBNN nghiên cứu và đưa vào sử dụng các công nghệ mới, hiện đại của Cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghệ tích hợp mới (như công nghệ micro services/web services nhằm tích hợp các phân hệ của VDBAS); công nghệ di động thông minh trong cung cấp dữ liệu mở và cung cấp kênh tương tác của khách hàng với hệ thống VDBAS; công nghệ điện toán đám mây trong cung cấp hạ tầng linh hoạt, co giãn theo nhu cầu sử dụng; công nghệ dữ liệu lớn ứng dụng trong phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định, công nghệ chuỗi khối có tiềm năng ứng dụng trong bài toán thu NSNN hoặc chi NSNN với kho bạc, ngân hàng, trung gian thanh toán... là các nút mạng của chuỗi; công nghệ trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong nhận diện khuôn mặt nhằm tăng cường an ninh an toàn bảo mật trong kiểm soát chi NSNN cũng như giải đáp chính sách hoặc hỗ trợ vận hành hệ thống CNTT… kết hợp với công nghệ mới nhất cho nền tảng sổ cái KTNN.

Ngoài tăng cường liên kết dữ liệu, trong giai đoạn 2021 – 2025, KBNN tập trung xây dựng dựng nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu đáp ứng kết nối, tích hợp ứng dụng, chia sẻ dữ liệu… nhằm cung cấp nền tảng cho hệ thống VDBAS và các hệ thống liên quan. Xây dựng các hệ thống an toàn bảo mật hiện có; triển khai dịch vụ giám sát an toàn thông tin, kết nối chia sẻ với Trung tâm ứng cứu sự cố quốc gia trên không gian mạng thông qua Cục tin học và Thống kê Tài chính – Bộ Tài chính.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Kho bạc Nhà nước tập trung xây dựng dựng nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu đáp ứng kết nối, tích hợp ứng dụng, chia sẻ dữ liệu… nhằm cung cấp nền tảng cho hệ thống VDBAS và các hệ thống liên quan. Xây dựng các hệ thống an toàn bảo mật hiện có; triển khai dịch vụ giám sát an toàn thông tin, kết nối chia sẻ với Trung tâm ứng cứu sự cố quốc gia.

Bên cạnh việc nâng cấp, mở rộng hệ thống TABMIS thành hệ thống VDBAS có khả năng liên thông, kết nối, chia sẻ với các hệ thống khác trong và ngoài ngành Tài chính theo thời gian thực, thời gian tới, KBNN cần xây dựng hệ thống các hệ thống nội bộ của KBNN có kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với hệ thống VDBAS nhằm khai thác dữ liệu từ hệ thống VDBAS như: Hệ thống kiểm toán nội bộ - kiểm tra - thanh tra KBNN phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ thuộc chức năng nhiệm vụ của KBNN; Hệ thống quản lý ngân quỹ và quản lý trái phiếu kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống VDBAS theo thời gian thực phục vụ công tác dự báo dòng tiền và đáp ứng nhu cầu sử dụng ngân quỹ; Hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản điều hành; cổng thông tin điện tử; quản lý tài chính và kế toán nội bộ.

Ngoài ra, KBNN cũng cần xây dựng nền tảng tích hợp ứng dụng và chia sẻ dữ liệu đáp ứng kết nối, tích hợp ứng dụng, chia sẻ dữ liệu… cung cấp nền tảng cho hệ thống VDBAS và các hệ thống liên quan; Xây dựng hệ thống lưu trữ điện tử cho chứng từ nghiệp vụ thực hiện các chức năng của KBNN, cung cấp dịch vụ lưu trữ điện tử cho hệ thống VDBAS và các ứng dụng nghiệp vụ của KBNN.

(*) Chu Thị Kim Ngân

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 3/2022.