Kho bạc Nhà nước từng bước hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra

Thùy Linh

Trong những năm vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đạt được những kết quả nhất định, ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong sự phát triển vững mạnh của hệ thống KBNN.

Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu
Hoạt động nghiệp vụ tại KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu
Hoạt động thanh, kiểm tra ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả

Bám sát định hướng thanh tra, kiểm tra tài chính hàng năm của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của hệ thống, trong đó thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nhiều khả năng xảy ra tồn tại, sai sót theo đúng định hướng, chỉ đạo, không dàn trải, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hiệu quả, tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định pháp luật.

Tính đến hết tháng 7/2023, hệ thống KBNN đã thực hiện tổng số 578 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch là 492 cuộc; thanh tra, kiểm tra đột xuất là 86 cuộc. Số cuộc đã ban hành kết luận là 495 cuộc tại 495 đơn vị. Kết quả đã kiến nghị xử lý về kinh tế tổng số tiền vi phạm hơn 3,1 tỷ đồng; số tiền kiến nghị thu hồi hơn 1 tỷ đồng; số tiền kiến nghị xử lý khác là hơn 2 tỷ đồng. Cùng với đó, KBNN cũng đã ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 72 triệu đồng.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra hệ thống KBNN đã phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong chi tiêu công tại các đơn vị sử dụng ngân sách. Đồng thời qua thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện được những sơ hở, bất cập trong các văn bản chế độ, từ đó kiến nghị điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp, đảm bảo quỹ ngân sách nhà nước được giám sát chặt chẽ, các khoản chi ngân sách nhà nước được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Theo KBNN, trong thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra của KBNN luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Tài Chính và lãnh đạo KBNN các cấp, cùng với sự phấn đấu nỗ lực của đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra và kinh nghiệm kiểm tra nội bộ của hệ thống KBNN là cơ hội để hệ thống KBNN tiếp tục hoàn thiện bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới nội dung, phương pháp thanh tra, kiểm tra, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện đại hóa hoạt động KBNN.

Cùng với đó, sau gần 30 năm hoạt động kiểm tra nội bộ và gần 8 năm thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo Luật thanh tra 2010, hoạt động thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN đã đi vào nền nếp, chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả hơn trong việc thực hiện chức năng hậu kiểm đối với các khoản chi ngân sách nhà nước, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành ngày càng được tăng lên về số lượng và chất lượng. Kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ của hệ thống KBNN đều bám sát định hướng thanh tra của Bộ Tài chính, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán để xử lý chồng chéo đồng thời việc tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục, đúng quy định pháp luật

Hiện nay hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được ban hành khá đầy đủ
Hiện nay hệ thống các văn bản pháp lý về hoạt động thanh tra, kiểm tra đã được ban hành khá đầy đủ

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu hình thành cơ quan kho bạc số, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử. Chính vì vậy, hiện nay, phương thức kiểm soát chi ngân sách nhà nước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách, đi đôi với kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm… Điều này đang là một trong những khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra do số lượng các đơn vị sử dụng ngân sách từ trung ương đến địa phương giao dịch qua KBNN là rất lớn và phân bổ trên khắp các địa bàn tại các xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành phố trên toàn quốc; loại hình đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cũng rất đa dạng, phức tạp. Do vậy, khối lượng công việc đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra KBNN là hết sức nặng nề, đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra của hệ thống KBNN còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa được tham dự hết các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thanh tra, kiểm tra do Thanh tra Chính phủ tổ chức nên vẫn còn hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

KBNN cho biết, thời gian tới, trên cơ sở kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ đã được phê duyệt, KBNN tiếp tục triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo thời hạn quy định.
KBNN Trung ương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo KBNN các cấp thực hiện công tác tự kiểm tra các lĩnh vực nghiệp vụ, nhằm khắc phục những sai sót và ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở khai thác nguồn dữ liệu sẵn có trên các chương trình ứng dụng, kho dữ liệu của KBNN; chuyển đổi dần phương thức kiểm tra truyền thống sang phương thức kiểm tra, giám sát từ xa trên môi trường điện tử, môi trường số; triển khai giám sát hoạt động nghiệp vụ KBNN các cấp phục vụ công tác đánh giá, kiểm soát, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN.

KBNN cũng sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác thanh tra; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua các cuộc kiểm tra tại KBNN cấp tỉnh, huyện; bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường giám sát từ xa, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các rủi ro có thể gây mất an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao KBNN quản lý.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023