Kho bạc số ngày càng gần

Theo Hà Lan/daibieunhandan.vn

Với việc thí điểm thành công quy trình nghiệp vụ liên thông giữa các ứng dụng của kho bạc tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) Hà Nam, có thể nói, KBNN càng tiến gần hơn mục tiêu trở thành “kho bạc số”.

Nhiều khó khăn nhưng đã thành công

Nhằm đẩy mạnh liên thông quy trình, tích hợp ứng dụng hướng tới hình thành kho bạc số theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, KBNN đã giao KBNN Hà Nam triển khai thí điểm quy trình nghiệp vụ liên thông: Dịch vụ công trực tuyến - Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) - Thanh toán liên ngân hàng tập trung tại kho bạc tỉnh và kho bạc huyện Lý Nhân từ ngày 4/5/2022.

KBNN Hà Nam thí điểm thành công quy trình nghiệp vụ liên thông.
KBNN Hà Nam thí điểm thành công quy trình nghiệp vụ liên thông.

Lãnh đạo KBNN cho biết, quy trình liên thông là sự tích hợp, liên thông giữa các quy trình nghiệp vụ ứng dụng với chương trình dịch vụ công trực tuyến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về cải cách, hiện đại hóa KBNN. Việc cải tiến quy trình nghiệp vụ cũng giúp nâng cao năng suất, chất lượng lao động của hệ thống kho bạc và tạo thuận tiện hơn cho đơn vị sử dụng ngân sách.

Trong quy trình liên thông 3 ứng dụng nói trên, các chứng từ chi thường xuyên của đơn vị giao dịch chuyển đến KBNN trên dịch vụ công trực tuyến để chuyển tiền cho nhà cung cấp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại trên toàn quốc.

Sau khi giao dịch viên KBNN nhận và xử lý các thông tin ban đầu, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị kho bạc ký duyệt chứng từ trên chương trình dịch vụ công trực tuyến thì chứng từ được tự động chuyển sang ngân hàng mà không cần bất kỳ một xử lý thủ công nào trên các ứng dụng nội bộ như trước. 

Ông Lê Thanh Phương - Giám đốc KBNN Hà Nam cho biết, hệ thống thí điểm lần này có nhiều điểm mới về quy trình, ứng dụng. Đây cũng là lần đầu tiên một kho bạc huyện trong toàn hệ thống kho bạc tham gia thanh toán liên ngân hàng theo quy trình tập trung. Do vậy, việc triển khai thí điểm gặp khá nhiều khó khăn, vất vả.

“Những ngày đầu, đội ngũ cán bộ kho bạc Trung ương và địa phương thường xuyên phải làm việc đến tối muộn và cả ngày nghỉ lễ để xử lý, khắc phục kịp thời sự cố cũng như kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng các yêu cầu về quy trình nghiệp vụ, ứng dụng của hệ thống mới; đặc biệt là bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền, tài sản trong công tác thanh toán và không gây ách tắc trong việc giao dịch với khách hàng”, ông Phương kể.

Đến nay, việc vận hành hệ thống ứng dụng mới đã dần đi vào ổn định. Các yêu cầu về liên thông quy trình, tích hợp ứng dụng cho các phương thức thanh toán của KBNN với ngân hàng thương mại đã được thực hiện đúng theo quy trình; bảo đảm tuyệt đối an toàn tiền, tài sản và thuận tiện, kịp thời hơn nữa cho công tác giao dịch của các đơn vị sử dụng ngân sách với KBNN Hà Nam.

Xử lý chứng từ chỉ mất vài giây

Giám đốc KBNN Hà Nam Lê Thanh Phương cho biết, quy trình liên thông bước đầu được thí điểm thành công đã giảm được rất nhiều lao động làm việc thủ công và thời gian xử lý quy trình của cán bộ nghiệp vụ, nhất là tại cơ quan KBNN tỉnh với lượng chứng từ lớn và hầu hết lại thanh toán theo phương thức liên ngân hàng.

“Trước đây, sau khi KBNN kiểm soát chi, việc xử lý một chứng từ giao dịch của khách hàng trong các hệ thống ứng dụng nội bộ của KBNN mất từ 5 - 7 phút, thì nay việc xử lý được tự động, liên thông theo quy trình thí điểm chỉ mất vài giây.

Với trung bình 500 chứng từ 1 ngày giao dịch của các đơn vị sử dụng ngân sách thanh toán chuyển tiền đi ngân hàng thương mại, quy trình liên thông đã tiết kiệm 40 - 50 giờ lao động mỗi ngày của các cán bộ nghiệp vụ KBNN Hà Nam trên toàn tỉnh. Mặt khác, quy trình liên thông tự động đã giảm thiểu các thao tác xử lý thủ công của cán bộ nghiệp vụ, hạn chế tối đa các sai sót.

Tại các huyện, ngoài các lợi ích nêu trên, việc thêm phương thức thanh toán mới cũng đã giúp KBNN huyện có nhiều lựa chọn và thuận tiện hơn trong giao dịch thanh toán với ngân hàng.

Ông Phương cho biết, tới đây, KBNN Hà Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với KBNN giám sát, vận hành thành công quy trình hệ thống thí điểm; tích cực tham gia đề xuất hoàn thiện quy trình, ứng dụng để KBNN có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai diện rộng hệ thống này trên toàn quốc. 

“Khi đó, với hơn 700 đơn vị kho bạc và hàng chục nghìn chứng từ giao dịch thanh toán của đơn vị sử dụng ngân sách chuyển tiền đi ngân hàng mỗi ngày, lợi ích trên sẽ nhân lên nhiều lần với cả KBNN và đơn vị sử dụng ngân sách”, ông nhấn mạnh.