Khó kiểm soát gian lận trong kinh doanh khí hóa lỏng

PV.

Tình trạng sang chiết nạp khí hóa lỏng (gas) trái phép, gian lận trong kinh doanh gas đang ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, nhà nước thất thu thuế và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội.

Theo bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Dầu khí nói riêng.

Báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018 cho thấy, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Thông số trên cho thấy bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang trên trên đà phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng gian lận trong kinh doanh gas ngày càng gia tăng. Thị trường đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp ngành Khí. Vấn đề nổi cộm, liên tục và kéo dài chính là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, rồi tung ra trên thị trường…

Thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy, trong năm 2017 có nhiều vụ vi phạm lớn đã được các cơ quan chức năng phát hiện, kiểm tra thu giữ hàng nghìn bình gas được sản xuất, bị chiếm dụng trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật như: Vụ việc ở khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), vụ ở Dị Sử (Hưng Yên), Vụ ở Trảng bàng (Tây Ninh), Vụ Gas Phúc Khang ở Hoà Bình . . . Những hành vi vi phạm trên năm 2018 tiếp tục xẩy ra ở các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Sóc Trăng, Bình Dương, Sơn La…

“Các hành vi trên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, nhà nước thất thu thuế và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội”, ông Trần Trọng Hữu, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết.

Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình... của các cơ quan chức năng thời gian qua mặt dù đã đạt nhiều kết quả, góp phần ổn định thị trường. Tuy nhiên, vấn đề xử lý đã được đưa ra 10 năm nay nhưng chưa triệt để và rõ ràng. Đơn cử, các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, vỏ bình bị tịch thu được trả lại cho chính đối tượng vi phạm, bán đấu giá, hoặc đem tiêu hủy. Điều này đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.

Để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ trên thị trường, theo ông Trần Trọng Hữu, cơ quan quản lý cần xem xét bỏ quy định về việc các doanh nghiệp được quyền thuê và cho thuê bình gas. 

Cùng với đó, xem xét bỏ quy định doanh nghiệp phải có sổ theo dõi bình gas về số lượng, số seri, ngày tháng cung cấp bình cho khách hàng . . . bởi quy định này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém về nhân lực và khó khả thi. Đồng thời, bổ sung quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu bình gas, đặc biệt là quyền được trả lại bình gas khi bị chiếm đoạt, chiếm dụng trái pháp luật và quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nhà nước cũng cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas…