Triển khai giám sát về quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp:

Khối lượng công việc đồ sộ

Theo Lê Bình/daibieunhandan.vn

Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016” đã gửi Đề cương báo cáo đến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai các bước của chuyên đề giám sát này. Ngay từ những ngày đầu tiên triển khai có thể thấy một khối lượng công việc khá đồ sộ cần được thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cũ mà mới 

Nội dung thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã từng được Quốc hội Khóa XII tiến hành giám sát. Một báo cáo dài 30 trang, với hàng chục bảng kê khai thông tin liên quan đến công tác cổ phần hóa tại tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã được báo cáo với cử tri, người dân cả nước. Song có thể thấy, nội dung giám sát lần này của Quốc hội Khóa XIV có phạm vi rộng hơn, với nhiều điểm mới, vì sẽ đánh giá mở rộng từ tổng công ty, tập đoàn nhà nước, đến doanh nghiệp ở địa phương.

Trong giai đoạn 2011 - 2016, với sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện cổ phần hóa DNNN. Để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng và có những đánh giá toàn diện về công tác này, thì hiện nay là thời điểm phù hợp để nhìn lại hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong giai đoạn này đã được thực thi ra sao.

Cùng với nội dung này, tại phiên họp đầu tiên của Đoàn giám sát, một số thành viên cũng lưu ý, phạm vi giám sát lần này tương đối rộng, vì bao gồm xem xét cả việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như tiến hành cổ phần hóa. Chỉ với nội dung quản lý, sử dụng, tài sản nhà nước, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh, “đã là khá lớn”, vì phải xem xét đầu tư trong và ngoài ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Thừa nhận phạm vi giám sát rộng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho rằng, cần giám sát khía cạnh này trong hoạt động của DNNN, vì số liệu tỷ suất lợi nhuận trên số vốn chủ sở hữu năm 2016 đã giảm so với đầu nhiệm kỳ này (từ 14%/doanh nghiệp xuống còn 10%/doanh nghiệp).

Từ thực tế công tác, Đại biểu Quốc hội Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho biết, Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước thực hiện nội dung kiểm toán tương tự như của Quốc hội đã mất 55 ngày thực tế. Sau khi rời đi, Đoàn công tác của Kiểm toán Nhà nước còn dành một khoảng thời gian để hoàn thiện báo cáo rồi mới công bố kết luận. Thanh tra Nhà nước thực hiện thanh tra cũng phải mất 75 ngày mới đưa ra kết luận.

Sự công phu này cũng được Phó Chủ nhiệm UB Dương Quốc Anh chia sẻ: Khi thanh tra Ngân hàng Công thương Việt Nam, Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã phải huy động toàn bộ lực lượng, làm việc trong vài tháng liên tiếp. Và “đợt thanh tra này cũng chưa thể thanh tra toàn bộ khối tài sản của Ngân hàng Công thương Việt Nam, mà chỉ tiến hành được khoảng 20 - 30% khối tài sản”, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế cho biết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, cho biết, Đoàn sẽ có khoảng 3 tháng để làm việc với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó có thời gian trùng với thời điểm nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh làm việc với đơn vị chịu giám sát, Đoàn giám sát còn tổ chức một số hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, cá nhân có kinh nghiệm thực hiện.

Dự kiến, ít nhất sẽ có hai hội thảo được tổ chức từ sau khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến khi hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Đoàn giám sát cũng phải lấy ý kiến của Chính phủ, bộ, ngành, đại diện DNNN về kết quả giám sát. Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các công việc phải tiến hành rất khẩn trương, chuyên nghiệp, chất lượng, và chậm nhất đến đầu tháng 3.2018 đã phải có dự thảo báo cáo kết quả giám sát.  

Áp lực lớn

Không chỉ chịu áp lực về phạm vi giám sát, thời gian thực hiện, mà một số thành viên Đoàn giám sát nói rằng, còn “áp lực” với mục tiêu đề ra. Theo kế hoạch giám sát, thì việc đánh giá chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ cần xem xét với hệ thống văn bản pháp luật ban hành trước và sau khi Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; mà sẽ phải đánh giá về vốn chủ sở hữu, tài sản doanh nghiệp, báo cáo tài chính, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, mở rộng và hiệu quả sản xuất ngành nghề chủ lực…

Đối với cổ phần hóa, kế hoạch giám sát xác định sẽ đánh giá về chính sách, pháp luật; quá trình cổ phần hóa; việc quản lý vốn, tài sản nhà nước, xử lý các vấn đề tài chính trước và trong quá trình thực hiện; vấn đề xử lý đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất… Đồng thời, đánh giá việc thay đổi mô hình quản trị trước và sau khi cổ phần hóa DNNN; và tiến độ thành lập cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đặc biệt lưu ý mục tiêu xem xét các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, cũng như trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Ngoài ra, kế hoạch giám sát cũng xác định sẽ xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị, UBTVQuốc hội cần xác định rõ phạm vi đánh giá trách nhiệm của tập thể, cá nhân, vì để “làm ra ngô, ra khoai” sẽ đòi hỏi sự công phu, am hiểu quy định pháp luật và giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Trong khi đó, phương tiện giám sát chủ yếu là thông qua xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, một số doanh nghiệp tiêu biểu ở địa phương. Thời gian làm việc trực tiếp với đối tượng chịu giám sát cũng không thể nhiều như của kiểm toán, thanh tra.

Trước áp lực không nhỏ này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu phải bám sát kế hoạch giám sát, bảo đảm thực hiện các phần việc đúng thời hạn đề ra. Và dù thời gian không dồi dào, song Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải xuống tận nơi doanh nghiệp “đang đắp chiếu”, hoặc đang phục hồi để có được những đánh giá kỹ càng, chân thực nhất.