Không để bất động sản “sốt” hoặc “đóng băng”
Vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa đã chỉ đạo các đơn vị góp ý cho Đề án thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, nhằm phát triển lành mạnh.
Có những nhân tố bất ổn
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2016 vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng (sau khi phục hồi kể từ cuối năm 2013), nhưng đã có dấu hiệu chững lại, và tiềm ẩn những nhân tố bất ổn mà nếu không được xử lý kịp thời, thỏa đáng, thì có thể gây tác động xấu đối với sự ổn định của thị trường.
Theo ông Châu, hiện nay đang có sự phát triển lệch pha cung - cầu. Phân khúc bất động sản cao cấp đang tăng trưởng rất mạnh, đã có dấu hiệu cung vượt cầu. Ngoài khu trung tâm thành phố và khu đô thị Nam Sài Gòn, TP. HCM đang hình thành thêm một khu vực mới, tập trung phát triển các dự án bất động sản cao cấp ở khu phía Đông thành phố.
Trong lúc đó, phân khúc bất động sản nhà ở thương mại vừa túi tiền rất thiếu như dự án có giá bán căn hộ trên dưới 1 tỷ đồng, dự án nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng và dự án nhà ở xã hội.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang có nhiều nhà đầu tư kinh doanh bất động sản thứ cấp, mua để cho thuê, hay để bán lại kiếm lời (chiếm khoảng trên dưới 50% tùy theo dự án). So với thời điểm bong bóng bất động sản năm 2007, khi tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chiếm đến khoảng 70%, thì tình hình hiện nay cũng rất đáng quan ngại. Cũng theo HoREA, hiện đang có sự tăng trưởng tín dụng cao trong lĩnh vực bất động sản, tăng nợ xấu. Tại TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng bất động sản tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trước vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.
Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường bất động sản từ năm 2013 đến nay đã có dấu hiệu hồi phục, và đến năm 2016 thì có vẻ chững lại. Tuy nhiên, “Không vội vàng nói là giảm đến mức lo ngại, thông tin cần cẩn trọng vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản”, ông Tuấn nói.
Vẫn đang kiểm soát tốt
Trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2016, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết vừa qua, Thường trực Chính phủ có cuộc họp với UBND TP. Hà Nội, TP.
Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng để nhận định tình hình bất động sản. Qua đó, TP. Hồ Chí Minh nhất định không để tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra như khoảng năm 2007-2008.
Ông Khoa nhận định, các yếu tố hình thành “bong bóng” bất động sản hiện nay vẫn đang kiểm soát được. Thành phố đang kiểm soát tốt dòng tín dụng vào bất động sản. Dự báo đến năm 2017, tình hình diễn biến bình thường, không biến động lớn. Tuy nhiên, ông Khoa vẫn chỉ đạo Sở Xây dựng theo dõi sát sao tình hình cung cầu.
“Bởi vì “bong bóng” xuất hiện thường do cung nhiều cầu ít. Phần nào thuộc thẩm quyền của mình, thành phố sẽ xử lý. Phần nào “vượt khung”, thành phố sẽ kiến nghị bằng cơ chế chính sách tín dụng hoặc thuế”, ông Khoa khẳng định.
Trên thực tế, Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh đều thống nhất, thì cung của phân khúc căn hộ cao cấp đang nhiều hơn so với nhu cầu. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần lưu ý quan tâm. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh đã có đề xuất với Chính phủ về các biện pháp xử lý. Chính phủ đang nghiên cứu đề nghị của TP. Hồ Chí Minh và sẽ sớm có quyết định.
Ông Khoa cũng yêu cầu Sở Xây dựng và ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý lĩnh vực bất động sản: “Đề nghị ngành Ngân hàng theo dõi giúp UBND thành phố vấn đề nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn doanh nghiệp
vay ngân hàng”.