Không lưu thông tiền mệnh giá nhỏ trong dịp Tết Mậu Tuất
Chiều ngày 8/1/2018, tại cuộc họp báo về kết quả kinh doanh ngành ngân hàng, ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành-kho quỹ cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, không chỉ có lượng tiền đã qua lưu thông, mà cả tiền mới mệnh giá từ 10.000 đồng trở lên cũng sẽ được cung ứng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lâm, cơ quan này vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống ra lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo ông Lâm, hiện Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thu chi tiền mặt và tồn quỹ tiền mặt tại các chi nhánh tỉnh, thành phố; sẵn sàng điều chuyển tiền, đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến dịp Tết Nguyên đán.
Cũng theo ông Lâm, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo cung ứng các loại tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông không phân biệt tiền cũ và mới. Cũng như mọi năm, dịp Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Theo tính toán của Ngân hàng nhà nước, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết năm nay dự kiến sẽ giúp tiết kiệm được khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.
Về việc đổi tiền mới, tiền lẻ ăn chênh lệch trên mạng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích và nhấn mạnh hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác đảm bảo chất lượng dịch vụ thanh toán dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thường xuyên theo dõi giám sát hoạt động của hệ thống ATM đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động.