Không thể muộn hơn!
Hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu, dẫn đến giảm sức cạnh tranh, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện. Các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông xuất hiện hàng loạt bất cập về mức phí quá cao, vị trí đặt trạm chưa bảo đảm khoảng cách 70km; thời gian thu phí chưa phù hợp, chưa bảo đảm sự lựa chọn cho người dân do được thực hiện trên trục đường độc đạo. Khẳng định của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, đã phần nào cho thấy, việc ra đời Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP, là điều không thể muộn hơn, nhằm giải quyết những bất ổn hiện hành.
Sự bất ổn của hàng loạt dự án BOT thời gian qua có thể kể tới chuyện lái xe phản đối mức phí cao như trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An) hay “nóng” nhất là BOT Cai Lậy (Tiền Giang) với những “cơn mưa tiền lẻ”, dừng xe lâu, khiến các nhà đầu tư BOT khó có thể lường trước được.
Phải thừa nhận rằng, phản đối dây chuyền ở các trạm thu phí thời gian qua đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây thiệt hại về mặt kinh tế.
Thế nhưng, nhiều người đặt câu hỏi ngược lại, nếu chủ phương tiện không phản đối thì ngành chức năng có vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện những dự án BOT thu thừa hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí một trạm thu phí BOT có thể thu tới 1,9 tỷ đồng/ngày nhưng chỉ báo cáo thu được 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, bất ổn trong các dự án BOT đã tạm lắng, tuy nhiên, nếu không được giải quyết một cách triệt để thì những bất ổn này sẽ “bung” ra bất cứ lúc nào. Bởi một trong những vấn đề của dự án BOT khiến dư luận bức xúc là thông tin về hợp đồng dự án vẫn là “điều khoản mật”, người dân dù là người trả phí nhưng không có đủ thông tin để giám sát, để biết đồng tiền của mình phải trả như vậy có hợp lý không.
Nói gì đi chăng nữa, cái chính yếu nhất trong vấn đề BOT nói riêng, và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư vẫn là công khai, minh bạch. Vì đều liên quan chặt chẽ đến quyền lợi của người dân, đến ngân sách mà thực tế là tiền của dân. Chỉ có công khai, minh bạch thì mới xóa được những tồn tại của các dự án BOT.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu dừng hoạt động thu giá đối với các dự án không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Việc thu phí tự động sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, cùng với đó, giảm bớt thất thu cho Nhà nước, giúp minh bạch hóa nguồn thu. Song, cũng cần một thời gian nhất định để chủ đầu tư BOT có thời gian lắp đặt thiết bị; phía người nộp phí tự động chấp nhận những phiền toái phải gặp như làm thẻ thanh toán tự động. Điều đó cũng đòi hỏi cần tham vấn ý kiến từ cả hai phía, cả bên thu và bên nộp.
Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nếu thực sự muốn thay đổi thì trước hết phải thống nhất cách nhìn nhận là cách làm BOT hiện nay còn nhiều điều bất ổn, cần có khung pháp lý đầy đủ và toàn diện hơn, ở tầm cao hơn, nhằm minh bạch hóa các khâu.
Bởi vậy, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP có thể sẽ là một khởi điểm tốt lành, thay vì quản lý theo hình thức “tiền kiểm” như tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định số 30/2015 về lựa chọn nhà đầu tư, thì các nhà làm luật đã xây dựng việc quản lý dự án BOT theo hình thức “hậu kiểm”.
Tức là thay vì hình thức quản lý theo đầu vào, chủ đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu về vốn, nguồn lực thì việc quản lý sẽ tập trung vào đầu ra, yêu cầu chủ đầu tư phải bảo đảm chất lượng công trình, quy định chặt chẽ về thời gian thu phí cũng giám sát chặt lợi nhuận của chủ đầu tư.