Tổng cục Hải quan:

Khuyến nghị giải pháp giảm tỷ lệ hồ sơ xuất, nhập khẩu bị xếp vào luồng Đỏ và Vàng

PV.

Ngày 25/8/2017, Tổng cục Hải quan tổ chức Họp báo chuyên đề triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP (28/4/2016) về phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) trao đổi với báo chí về vấn đề phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu (ngày 25/8/2017).
Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) trao đổi với báo chí về vấn đề phân luồng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu (ngày 25/8/2017).

Thông tin với báo chí tại buổi họp báo chuyên đề, ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết: Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, trong tổng số hơn 6 triệu tờ khai xuất, nhập khẩu hàng hoá, số tờ khai được phân vào luồng Xanh chiếm tỷ lệ 57,53%; luồng Vàng là 37,46% và luồng Đỏ chiếm 5,01%.

Trong đó, tỷ lệ tờ khai được phân vào luồng Vàng do khoảng 60% các văn bản quản lý chuyên ngành điều chỉnh, luồng Đỏ do khoảng 17% các văn bản quản lý chuyên ngành điều chỉnh.

“Tỷ lệ luồng Vàng cao là do nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình khai báo hải quan. Khai nhầm, khai thiếu thông tin trong hồ sơ, chứng từ là khá phổ biến, do đó, bị hệ thống thông quan điện tử (Hệ thống VNACCS/VCIS) phân vào luồng Vàng”, ông Quang cho hay.

Về lý do khiến các tờ khai xuất, nhập khẩu bị phân vào luồng Đỏ, phần lớn tập trung vào các lỗi cố ý buôn lậu, gian lận thương mại; trốn và gian lận thuế và không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan. Thậm chí nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: sửa, bổ sung hoặc hủy tờ khai một cách thường xuyên.

Để giảm tỷ lệ hồ sơ xuất nhập khẩu bị xếp vào luồng Đỏ và Vàng trong thời gian tới, ông Quang cho biết, cơ quan Hải quan đang nghiên cứu, xây dựng và trình Tổng cục Hải quan xem xét phê duyệt đề án “Doanh nghiệp tuân thủ tự nguyện”.

Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã ban hành các Quyết định về xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Trong đó, lĩnh vực hải quan có 13 nhóm nhiệm vụ với 36 giải pháp gắn với 57 sản phẩm đầu ra.

Ngoài các lý do trên ông Quang còn lưu ý  một số lỗi mà doanh nghiệp vẫn thường gặp trong khai báo, làm thủ tục hải quan dẫn đến tờ khai bị phân luồng Vàng và Đỏ như: Khai thủ công, khai báo sai thông tin trên tờ khai so với hồ sơ, chứng từ; khai báo tên hàng không đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, không phù hợp với mã số hàng hóa; Nợ thuế, bị cưỡng chế nợ thuế, bị ấn định thuế; Không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kiểm tra sau thông quan.

Ví dụ: không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, đúng thời hạn chứng từ, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi cơ quan hải quan yêu cầu; đánh tráo hàng hóa đã kiểm tra với hàng hóa chưa kiểm tra hải quan; giả niêm phong hải quan; tự ý phá niêm phong hải quan, tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan hoặc được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan…

Quan trọng hơn còn có trường hợp không hợp tác với cơ quan hải quan để cung cấp đầy đủ thông tin doanh nghiệp dẫn đến thiếu thông tin để đánh giá tuân thủ doanh nghiệp.

Để nâng cao mức độ tuân thủ đối với pháp luật hải quan và pháp luật thuế, ông Quang khuyến nghị: Các doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt và thực hiện đúng các quy định về chính sách quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Chấp hành các yêu cầu của cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Đồng thời, tích cực hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho cơ quan hải quan khi được đề nghị;

Đặc biệt là khai báo đầy đủ, chính xác, rõ ràng các thông tin trên tờ khai, hạn chế việc bổ sung sửa đổi tờ khai; hạn chế hủy tờ khai hoặc bỏ không làm thủ tục đối với tờ khai đã khai báo; trường hợp khai báo thông qua đại lý, nên sử dụng dịch vụ của các đại lý hải quan có độ tin cậy cao, được cơ quan hải quan công nhận; đồng thời, có hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng thỏa thuận trách nhiệm rõ ràng; bảo mật chữ ký số và tài khoản VNACCS.

Tính đến hết ngày 31/7, luồng Xanh có 3.491.560 tờ khai (chiếm tỷ lệ 57,53%); luồng Vàng có 2.273.515 tờ khai (chiếm tỷ lệ 37,46%); luồng Đỏ có 304.337 (chiếm tỷ lệ 5,01%). Trong đó, tỷ lệ tờ khai được phân vào luồng Vàng do khoảng 60% các văn bản quản lý chuyên ngành điều chỉnh, luồng Đỏ do khoảng 17% các văn bản quản lý chuyên ngành điều chỉnh.