Kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm toán trách nhiệm kinh tế của các nhà quản lý đã và đang có sự phát triển rất mạnh. Kinh nghiệm cho thấy, kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý là một biện pháp quan trọng, mang tính đột phá nhằm ngăn ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, góp phần bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức, đủ tài, phục vụ phát triển đất nước. Đây cũng là loại hình kiểm toán mới cần triển khai nhằm minh bạch hóa quá trình quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Bài viết đánh giá về thực trạng kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ quản lý và đưa ra một số kiến nghị đối với các bên liên quan nhằm tiến tới triển khai loại hình kiểm toán này ở Việt Nam.
Tại sao cần kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ quản lý?
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo quản lý là hoạt động kiểm tra và đánh giá của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về trách nhiệm kinh tế của cán bộ quản lý trong thời gian nhiệm kỳ công tác thông qua việc kiểm tra, đánh giá tính trung thực, hợp pháp và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động kinh tế liên quan khác của địa phương, đơn vị mà họ lãnh đạo.
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế giúp đánh giá chính xác cán bộ lãnh đạo có thực hiện đúng chức trách kinh tế của mình hay không, có chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định hiện hành về kinh tế, tài chính của Nhà nước hay không. Kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế là căn cứ tham khảo quan trọng để cơ quan quản lý cán bộ tuyển chọn và sử dụng cán bộ một cách đúng đắn, chính xác.
Thông qua kết quả kiểm toán do cơ quan KTNN cung cấp, các cơ quan quản lý và kiểm tra cán bộ của Đảng và Nhà nước sẽ có thêm những luận cứ quan trọng và xác đáng khi bổ nhiệm, đề bạt, cách chức hoặc luân chuyển cán bộ...
Việc kiểm tra chính xác trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo cũng trở thành một khâu quan trọng của công tác giám sát cán bộ. Kinh nghiệm cho thấy, kiểm toán trách nhiệm kinh tế được coi là một công cụ, biện pháp quan trọng để giám sát, đánh giá cán bộ lãnh đạo trước khi bổ nhiệm và được giao các vị trí quan trọng; là một trong các thước đo đánh giá năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ để bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, cách chức và luân chuyển cán bộ.
Đồng thời, kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế sẽ góp phần làm rõ đúng sai, bảo vệ những cán bộ, đảng viên trung thực, liêm khiết, trong sáng trước các hành vi bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, kiện cáo không mang tính chất xây dựng. Việc kiểm toán trách nhiệm kinh tế còn có tác dụng giáo dục, cảnh cáo, răn đe đối với số đông cán bộ. Từ đó, có thể thực hiện được mục đích không chỉ “chống” mà còn “phòng ngừa” trong quá trình tuyển chọn, quản lý, sử dụng cán bộ theo chính sách cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế là một biện pháp quan trọng ngăn ngừa phòng, chống và xử lý tham nhũng. Hiện nay, ở nước ta, trật tự kỷ cương trong quản lý tài chính nhà nước và tài sản nhà nước, nhất là chi tiêu ngân sách, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài sản công... dù đã có nhiều tiến bộ, song vẫn còn không ít bất cập.
Thực hiện chế độ kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý có thể giúp ngăn ngừa, tăng cường hơn nữa việc giám sát cán bộ lãnh đạo; Kiểm tra, xử lý cương quyết những cán bộ coi thường các định chế tài chính - kinh tế, vi phạm pháp luật; Góp phần nâng cao trình độ quản lý cán bộ, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và khả năng tự điều chỉnh của cán bộ lãnh đạo, quan tâm đến cán bộ về mặt chính trị, rèn luyện đạo đức, tác phong cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, hạn chế được tham nhũng hoặc lãng phí tài sản công.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán, khác với kiểm toán thông thường, đối tượng kiểm toán trách nhiệm kinh tế là con người, bao gồm: Cán bộ lãnh đạo quản lý tại các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể của trung ương và các cấp địa phương (cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước); Cán bộ lãnh đạo quản lý tại các DNNN (DN do Nhà nước chi phối). Tuỳ thuộc vào yêu cầu, điều kiện, năng lực của cơ quan KTNN, có thể thực hiện kiểm toán toàn bộ các đối tượng trên hoặc tiến hành kiểm toán thí điểm một số đối tượng cụ thể để nhân rộng khi có điều kiện.
Về nội dung kiểm toán, đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan, nội dung kiểm toán gồm công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Đối với cán bộ lãnh đạo DNNN, nội dung kiểm toán thường bao gồm: Kết quả sản xuất kinh doanh; Sự bảo toàn và gia tăng vốn của nhà nước ở DN; Tình hình thực hiện nghĩa vụ của DN đối với NSNN; Tình hình chấp hành các luật, chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính, kế toán... ở DN. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, trong những trường hợp cần thiết, có thể kết hợp kiểm toán cả bản kê khai tài sản của cán bộ lãnh đạo theo quy định…
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế là công cụ hữu hiệu để xây dựng nhà nước pháp quyền, đôn đốc bộ máy lãnh đạo hoạt động theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Thực hiện chế độ kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo góp phần khắc phục được tình trạng tắc trách, vượt quyền hay lạm dụng quyền lực.
Đối với lãnh đạo DNNN là thời điểm trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác hoặc chuyển công tác khác, bị cách chức, từ chức, nghỉ hưu hoặc cùng lúc với DN thay đổi cơ cấu tổ chức, sáp nhập, cổ phần hoá... Ngoài ra, có thể kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với hai loại cán bộ nói trên, khi có yêu cầu đột xuất của cơ quan quản lý cán bộ và cơ quan kiểm tra của Đảng và Nhà nước.
Thực trạng kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ quản lý
Những năm gần đây, KTNN ngày càng phát hiện ra nhiều sai phạm với quy mô lớn, phức tạp và tinh vi. Tổng số kiến nghị của KTNN trong 05 năm gần đây đều trên dưới 15 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu là những kiến nghị về tăng thu, giảm chi cho NSNN.
Ngoài ra, ở Việt Nam hiện nay, việc tham nhũng, lãng phí gây thất thoát tiền và tài sản nhà nước đã biến tướng sang nhiều hình thức rất phức tạp, không đơn thuần chỉ là sai phạm trong định khoản, làm giả chứng từ, hạch toán không đúng chế độ mà còn có nhiều phương thức tham nhũng, lãng phí khác như: Định giá giá trị DN hoặc tài sản nhà nước thấp hơn nhiều lần giá thị trường làm thất thoát tài sản nhà nước; Chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản làm tăng chi phí các dự án so với dự toán ban đầu nhiều lần; Chiếm dụng vốn nhà nước…
Trong thời gian qua, bên cạnh trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, dân sự… được đề cập trong việc thiết lập đầy đủ chế độ trách nhiệm nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thì trách nhiệm kinh tế của cán bộ quản lý hiện nay chưa được quan tâm một cách thấu đáo.
Thực tế cho thấy, tuy số lượng các kiến nghị ngày càng cao và với giá trị lớn nhưng qua theo dõi phần lớn các báo cáo kiểm toán của các đoàn kiểm toán thì không có nhiều đoàn kiểm toán có kiến nghị truy tố hoặc xử lý trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý, các lãnh đạo của các tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến những sai phạm, sai sót làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho NSNN. Đến nay, chưa có thống kê chi tiết có bao nhiêu nhà lãnh đạo, bao nhiêu cá nhân có liên quan đến các sai phạm, lãng phí đó đã bị cơ quan điều tra truy tố, hoặc bị cách chức, kiểm điểm, kỷ luật… Và thực tế, con số bị đưa ra truy tố và xét xử cũng rất ít so với thực tế.
Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tuy qua nhiều khâu, qua kiểm soát của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương, đúng quy trình nhưng vẫn “để lọt” và bổ nhiệm nhiều cán bộ quản lý cấp cao không đáp ứng yêu cầu công việc và chỉ khi báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện sai phạm.
Nếu thực hiện kiểm toán trách nhiệm cá nhân trước khi bổ nhiệm thì sẽ giảm thiểu được việc bổ nhiệm không đúng người, không đúng năng lực vào vị trí quan trọng; không bổ nhiệm những lãnh đạo quản lý yếu kém vào vị trị những tập đoàn lớn của Nhà nước hoặc vào những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước vì chỉ có kiểm toán trách nhiệm cán bộ trong cả một quá trình mới có đánh giá đầy đủ, toàn diện, sát thực tế đối với cán bộ đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên có thể do khó xác định trách nhiệm cá nhân, trong khi cơ chế quản lý hiện nay ở Việt Nam phần lớn đều đặt dưới sự điều hành mang danh nghĩa tập thể và do hiện nay KTNN chỉ có chức năng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện thấy sai phạm chứ chưa có chức năng xử lý các sai phạm.
Bên cạnh đó, các kiến nghị kiểm toán qua theo dõi các báo cáo phát hành cho thấy, việc đánh giá còn chung chung, chưa chi tiết cụ thể đối tượng bị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, hoặc qua kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán thì các đơn vị thường chưa có báo cáo về nội dung này (vì các cán bộ quản lý đã chuyển công tác hoặc nội dung sai phạm là của tập thể nên không thể xử lý trách nhiệm cá nhân...). Mặt khác, KTNN chưa thực hiện riêng biệt một cuộc kiểm toán nào về trách nhiệm kinh tế của các nhà quản lý do chưa có cơ sở pháp lý đối với nội dung này.
Nâng tầm kiểm toán trách nhiệm
Kiểm toán trách nhiệm kinh tế là công cụ hữu hiệu để xây dựng nhà nước pháp quyền, đôn đốc bộ máy lãnh đạo hoạt động theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Thực hiện chế độ kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo có tác dụng thiết thực cho giám sát nghiêm ngặt và hữu hiệu việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, khắc phục được tình trạng tắc trách, vượt quyền hay lạm dụng quyền lực được giao;
Thúc đẩy cán bộ lãnh đạo tự giác nâng cao nhận thức về pháp chế và ý thức pháp luật, học hỏi và vận dụng thành công các phương pháp pháp luật để lãnh đạo công tác kinh tế, quản lý xã hội, tiêu chuẩn hoá hành vi hành chính của bản thân, hướng dẫn cán bộ lãnh đạo quản lý và sử dụng quyền hạn đúng cách. Trong thời gian tới, để kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý được triển khai rộng rãi, bài viết đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, có chủ trương và nghị quyết cho phép thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế, trước mắt thí điểm đến năm 2020 thực hiện Đề án kiểm toán trách nhiệm kinh tế cán bộ quản lý cán bộ quản lý do Trung ương quản lý. Đối tượng thí điểm là các ủy viên trung ương, các đại biểu quốc hội, các bộ trưởng, thành viên chính phủ, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương; chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Mặt khác, đối tượng thí điểm để kiểm toán trách nhiệm kinh tế nên là các cán bộ đang trong quy hoạch phát triển lên vị trí cao hơn hoặc tiếp tục đủ điều kiện duy trì thêm 01 nhiệm kỳ nữa. Sau khi thí điểm tổ chức đánh giá và mở rộng đến các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong cả nước.
Thứ hai, Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế do KTNN chủ trì thực hiện; Đưa các kết quả kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý vào các phiên họp để chất vấn Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Thứ ba, Chính phủ và các cơ quan khác có liên quan quán triệt và yêu cầu các thành viên Chính phủ chấp hành và phối hợp tốt với KTNN thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế do KTNN chủ trì thực hiện; Chỉ trình Quốc hội phê chuẩn các chức danh Chính phủ sau khi có báo cáo trách nhiệm kinh tế đối với các cá nhân định bổ nhiệm; Yêu cầu KTNN thực hiện kiểm toán trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất với các thành viên chính phủ.
Thứ tư, KTNN xem xét trình Đề án thí điểm kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo lên Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương. Do chưa có tiền lệ, KTNN trình Bộ Chính trị thí điểm Đề án kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý do Trung ương quản lý. Sau khi thí điểm (dự kiến khoảng 05 năm), KTNN có đánh giá kết quả thực hiện và trình Bộ Chính trị, Quốc hội cho phép thực hiện trên cả nước đối với các cấp chính quyền địa phương.
KTNN tiến hành soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ lãnh đạo. Trong quá trình chờ được phê duyệt, KTNN có hướng dẫn cụ thể và tăng cường đánh giá trách nhiệm cá nhân qua kết quả kiểm toán hiện nay của các lãnh đạo cấp cao và gửi cho Bộ Chính trị, Quốc hội và cơ quan báo chí để thấy được tầm quan trọng của kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với cán bộ quản lý.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2006), Luật Kiểm toán nhà nước;
2. GS., TS. Vương Đình Huệ (2003) - Chủ nhiệm Đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc kiểm toán trách nhiệm kinh tế trong nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước và các đơn vị kinh tế nhà nước”;
3. GS., TS. Nguyễn Quang Quynh - Chủ biên (2009), Giáo trình Kiểm toán hoạt động, Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội;
4. Tài liệu Hội thảo Kiểm toán Trách nhiệm kinh tế và vai trò của cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng (22/7/2015).