Kiến nghị gỡ vướng về yêu cầu nộp C/O cho ô tô nhập khẩu

Theo baohaiquan.vn

Quá trình thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuộc Chương 87 nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ (công văn 16875/BTC-PC), Cục Hải quan Hải Phòng đang gặp vướng mắc.

Công ty CP cảng Hải Phòng và Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị gỡ vướng đối với yêu cầu nộp C/O mặt hàng ô tô nhập khẩu. Nguồn: PV.
Công ty CP cảng Hải Phòng và Cục Hải quan Hải Phòng đề nghị gỡ vướng đối với yêu cầu nộp C/O mặt hàng ô tô nhập khẩu. Nguồn: PV.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, căn cứ Điều 13 Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hoá, có 5 trường hợp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan.

Đó là, “hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, nếu người nhập khẩu muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó”.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, trường hợp này, nếu doanh nghiệp muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt sẽ phải nộp C/O.

Trường hợp thứ hai, “hàng hóa có xuất xứ từ những nước được Việt Nam cho hưởng ưu đãi theo thuế suất tối huệ quốc Việt Nam trên cơ sở có đi có lại hoặc trên cơ sở đơn phương. Trong trường hợp không có Giấy chứng nhận xuất xứ thì người nhập khẩu phải có cam kết hàng hóa có xuất xứ từ những nước đó và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực về nội dung cam kết đó”. Trường hợp này không có C/O doanh nghiệp vẫn được nhập khẩu và phải có cam kết.

Trường hợp thứ 3, “hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước hoặc nhóm nước cùng là thành viên”. Theo Cục Hải quan Hải Phòng, hiện cơ quan quản lý Nhà nước chưa ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện phải quản lý tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam.

Trường hợp thứ tư, “hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát”. Về trường hợp này, đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, mặt hàng ô tô không thuộc đối tượng này.

Trường hợp thứ năm, “hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng”. Đây cũng là quy định mà ô tô không phải là đối tượng áp dụng.

Căn cứ vào 5 trường hợp theo quy định tại Nghị định 19 và các phân tích nêu trên, Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng ô tô chỉ phải nộp C/O trong trường hợp muốn hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Mặt khác, theo Cục Hải quan Hải Phòng, Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA hướng dẫn việc nhập khẩu ôtô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, đã quy định chặt chẽ về điều kiện nhập khẩu ô tô, do đó yêu cầu việc nhập khẩu ô tô phải xuất trình C/O là không cần thiết.

Đồng thời theo phản ánh của doanh nghiệp, với ô tô đã qua sử dụng thuộc Chương 87 và trường hợp kinh doanh tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp không thể xuất trình C/O.

Theo Công ty CP cảng Hải Phòng, yêu cầu doanh nghiệp phải nộp C/O tại thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra gây ùn tắc xe ở khu vực cảng. Đặc biệt, hiện nay trung bình 2 tuần doanh nghiệp cảng này đón 1 chuyến tàu chở ô tô số lượng khoảng 1.000 xe, do đó nếu không được tháo gỡ sẽ gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Cục Hải quan Hải Phòng thông tin thêm, dựa trên dữ liệu của Hệ thống VNACCS, tại địa bàn có 598 xe không đủ điều kiện thông quan theo chỉ đạo tại công văn 1687, đồng thời có 336 xe các loại đã về cảng nhưng doanh nghiệp chưa đăng ký với cơ quan Hải quan.

Vì vậy, Hải quan Hải Phòng đề xuất yêu cầu doanh nghiệp xuất trình C/O tại thời điểm cơ quan Hải quan kiểm tra hồ sơ chỉ áp dụng với trường hợp doanh nghiệp muốn hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Liên quan đến vướng mắc nêu trên, ngày 20-12, một lãnh đạo Phòng thuộc Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, đơn vị đã nắm bắt được và đang tổng hợp trình Bộ Tài chính.