Kinh doanh kém, đường sắt khó rời “nguồn sữa” ngân sách
Ngành đường sắt đề ra số vốn đầu tư trong giai đoạn tới hàng chục nghìn tỷ đồng, đó còn chưa kể, hàng năm, ngành này vẫn được ngân sách Nhà nước “rót” 1.200 tỷ đồng để bảo trì. Tuy vậy, khối lượng hành khách mà ngành này đảm nhiệm chỉ chiếm 4,5% tổng khối lượng vận tải của ngành giao thông.
Cần 16.300 tỷ đồng trong 5 năm tới
Tại bản Kế hoạch sản xuất và kinh doanh giai đoạn 2016-2020, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đưa ra mục tiêu, duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục, bình quân hàng năm sản lượng và doanh thu tăng từ 8% trở lên, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; đảm bảo việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân đầu người tăng 8% năm. Đặc biệt, VNR kỳ vọng từng bước nâng thị phần vận tải đường sắt lên tương xứng với tiềm năng và nhu cầu vận tải.
Cùng với đó, sẽ thu hút vận tải hành khách bằng đường sắt, kết nối các khu đô thị, thành phố lớn, kết hợp vận tải hành khách ngoại ô với đường sắt đô thị; tăng khả năng thu từ phí, giá cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. VNR cam kết, tàu khách đi sẽ đạt tỷ lệ đúng giờ 99%, tàu đến đúng giờ từ 80% trở lên, đối với tàu Thống Nhất (Bắc Nam) tỷ lệ đúng giờ từ 85% trở lên…
Về lợi nhuận sau thuế trong các năm ở giai đoạn này, VNR đặt mục tiêu năm 2016 là 155 tỷ đồng, năm 2017 là 168 tỷ đồng, năm 2018 là 182 tỷ đồng và năm 2020 là 213 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập của người lao động trong ngành đạt bình quân 7,6 triệu đồng/người trong năm 2016 và tăng lên 10,3 triệu đồng/người vào năm 2020.
Để có mức lợi nhuận trên, số tiền cần đầu tư vào ngành đường sắt trong giai đoạn 2016-2020 lên tới hơn 16.300 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, phần còn lại thông qua kêu gọi xã hội hóa và vốn của ngành bỏ ra. VNR nhận định, đây là số vốn tối thiểu để triển khai các dự án trong giai đoạn này như đầu tư thay thế đầu máy, đầu tư mới đoàn tàu khách Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội - Vinh, thay thế dần toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/h…
Đối với số vốn hơn 1.200 tỷ đồng từ xã hội hóa, VNR cho biết, sẽ thu từ dự án bãi hàng ga Yên Viên Nam (Gia Lâm) 90 tỷ đồng; dự án bãi hàng ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) 319,9 tỷ đồng; dự án bãi hàng An Bình - Sóng Thần (Bình Dương) 325,6 tỷ đồng; xây dựng đường xếp dỡ và bãi hàng trên hệ thống đường sắt quốc gia (44 ga trên tổng 277 ga) dự kiến 350 tỷ đồng… Còn đối với các dự án xã hội hóa cải tạo các ga lớn như Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, VNR sẽ dựa trên đề xuất của nhà đầu tư để xây dựng tổng mức đầu tư.
Đầu tư lớn, năng lực vận chuyển thấp
Tổng số vốn đầu tư trong 5 năm tới của VNR là khá lớn, tuy nhiên, nhiều chuyên gia vận tải không khỏi băn khoăn khi hiệu quả kinh doanh của ngành đường sắt hiện rất thấp. Bộ Tài chính cho biết, ngành đường sắt đang được Nhà nước giao cho sử dụng khối hạ tầng hơn 3.100km đường sắt, 287 nhà ga... với tổng quỹ đất khoảng 6.000ha. Tuy nhiên, năng lực vận tải hiện chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa. Năng lực và hiệu quả khai thác hạ tầng đường sắt cũng chỉ khoảng 350 tỷ đồng/năm.
Đáng nói, nhiều năm nay, mỗi năm ngân sách Nhà nước vẫn rót cho ngành đường sắt khoảng 1.200 tỷ đồng để thực hiện bảo trì. Chưa kể, Nhà nước vẫn bao cấp về tiền thuê đất cho ngành đường sắt, dù đất sử dụng cho mục đích kinh doanh cũng không thu tiền. Bộ Tài chính đề nghị, hoạt động kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt phải theo cơ chế thị trường và từng bước tính đúng, tính đủ chi phí. Do đó, Nhà nước cần phải có cơ chế giao đất rõ ràng.
Đại diện VNR cho rằng, số kinh phí 1.200 tỷ đồng mà ngân sách Nhà nước cấp hàng năm “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu quản lý, duy tu, bảo trì đường sắt với hơn 3.100km đường sắt trên cả nước. Ngoài ra, hàng năm, đường sắt cũng phải nộp lại phí sử dụng kết cấu hạ tầng vào ngân sách Nhà nước. Năm 2015, đường sắt đã nộp trả lại 384 tỷ đồng nguồn phí sử dụng kết cấu hạ tầng vào ngân sách. Đường sắt Việt Nam cũng cho hay, nếu không được cấp kinh phí duy tu, bảo trì thì doanh nghiệp này rất khó đảm đương được việc duy tu hệ thống hạ tầng hiện nay.
Thực trạng kinh doanh yếu kém trong ngành đường sắt đã được chỉ ra từ lâu, dù ngành đường sắt cũng đã “chuyển mình” đổi mới nhưng so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của các phương thức vận tải khác như hàng không, đường bộ thì ngành đường sắt còn đang tụt lại khá xa và không lẽ ngân sách Nhà nước mãi phải nuôi đường sắt?