Kinh tế Trung Quốc khó có khả năng phục hồi hình chữ V
Mặc dù thương mại quốc tế của Trung Quốc đã giảm chậm lại trong tháng 3, cho thấy sản xuất của nước này đang trên đà phục hồi khi các nhà máy mở cửa trở lại. Tuy nhiên đà phục hồi vẫn rất mong manh và nhiều chuyên gia cho rằng, khó xảy ra kịch bản phục hồi hình chữ V đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tín hiệu tích cực
Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm thứ Ba (14/4) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này chỉ giảm với tốc độ hàng năm là 6,6% trong tháng 3, thấp hơn nhiều mức giảm 17,2% của hai tháng đầu năm và cũng thấp hơn so với mức giảm 14% theo dự báo của giới chuyên môn.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 của Trung Quốc cũng chỉ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với ước tính của giới chuyên môn là giảm 9,5% và cũng cải thiện mạnh so với mức giảm 4% của hai tháng đầu năm.
Thặng dư thương mại tháng 3 của Trung Quốc đạt 19,9 tỷ USD, cao hơn so với con số 18,55 tỷ USD theo ước tính của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã thu hẹp xuống còn 15,32 tỷ USD trong tháng 3 từ 25,37 tỷ USD trong hai tháng đầu năm. “Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một vẫn đang được thực hiện”, Li Kuiwen - người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết.
Đà giảm của xuất nhập khẩu chậm lại cho thấy sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đang trên đà phục hồi khi các nhà máy mở cửa hoạt động trở lại. Một bằng chứng khác cho thấy sản xuất của Trung Quốc đang trên đà phục hồi đó là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin/Markit đã phục hồi lên trên ngưỡng trung bình, đạt 50,1 điểm trong tháng 3 từ mức thấp kỷ lục là 40,3 điểm trong tháng trước đó. Trước đó, Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc thậm chí còn công bố chỉ số PMI chính thức của nước này đạt 52,0 điểm trong tháng 3, tăng mạnh so với mức 35,7 điểm trong tháng 2.
Tuy nhiên hãng Caixin và Markit lưu ý các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc đang đối mặt nhiều thách thức về phía cầu. Theo thông báo của Caixin và Markit, các yếu tố liên quan đến phía cầu hiện vẫn còn rất yếu ớt và điều này được thể hiện qua việc tổng số đơn hàng mới sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Bản thân Li Kuiwen cũng thừa nhận, nhu cầu quốc tế bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc, ngay cả khi nhu cầu trong nước phục hồi đang hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
Khó phục hồi hình chữ V
Cũng là điều dễ hiểu bởi ngay cả khi dịch bệnh tại Trung Quốc đã tạm lắng thì xuất khẩu của nước này cũng khó có thể phục hồi khi mà dịch bệnh vẫn đang hoành hành tại Mỹ và các quốc gia châu Âu, vốn là những thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Chính vì vậy nên giới chuyên gia đều đồng thuận dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý 2 năm nay, thậm chí mức giảm 20% cũng là một lựa chọn có xác suất khá cao.
“Nếu thị trường xuất khẩu lớn của Trung Quốc bao gồm EU và Mỹ bị ảnh hưởng trong quý thứ hai do đại dịch, thì rất có thể xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn này”, Betty Wang - chuyên gia kinh tế cao cấp của Tập đoàn Ngân hàng ANZ ở Hồng Kông cho biết. “Sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu xuất khẩu của Trung Quốc giảm với tốc độ hàng năm ở mức hai con số trong quý hai”, bà nói.
Đó cũng là dự báo của khá nhiều chuyên gia kinh tế khác. Nhà kinh tế Ning Zhang của UBS dự kiến xuất khẩu sẽ giảm 20% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, với lý do nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu, Nhật và một số nền kinh tế mới nổi có thể rơi vào suy thoái. Trong khi chuyên gia Larry Hu của Tập đoàn Macquarie cũng cho rằng, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm hơn nữa trong quý hai và giảm 13% trong cả năm 2020.
“Kịch bản lạc quan của WTO đưa ra tuần trước cũng dự báo khối lượng giao dịch hàng hóa quốc tế giảm 13% trong năm 2020. Còn với kịch bản bi quan, WTO dự báo khối lượng giao dịch hàng hóa toàn cầu giảm tới 32% trong năm nay. Nếu kịch bản bi quan đó xảy ra, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm hơn 13%”, Larry Hu nói.
Do kinh tế Trung Quốc phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu nên khi xuất khẩu suy giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo đó giới chuyên gia dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có khả năng sẽ thu hẹp 6% trong quý đầu năm so với một năm trước đó, lần suy giảm đầu tiên kể từ khi dữ liệu bắt đầu được phát hành vào năm 1992. Mặc dù kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 2, nhưng đà phục hồi thế nào còn phụ thuộc vào diễn biến thương mại.
“Kịch bản phục hồi hình chữ V của kinh tế Trung Quốc đang bị thách thức do suy yếu của nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và do đó ảnh hưởng tới các ngành sản xuất Trung Quốc”, Chi Lo - chuyên gia kinh tế Trung Quốc cao cấp của BNP Paribas Asset Management cho biết.