TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính:

6 giải pháp phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam (*)


Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, để phát triển bền vững và phát huy hiệu quả vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), vấn đề then chốt là phải kiểm soát được rủi ro cho những người tham gia, đặc biệt là những người mua trái phiếu, trong đó có các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong vài năm trở lại đây, thị trường TPDN tại Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Để góp phần giúp phát triển bền vững thị trường TPDN, trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa đối với các chủ thể phát hành. Do tình trạng thông tin bất đối xứng, bên phát hành có thể che dấu những thông tin bất lợi, khiến người mua không đánh giá được hết các rủi ro của DN, cũng như của trái phiếu. Để hạn chế những rủi ro này, thời gian qua phía cơ quan quản lý đã bổ sung các yêu cầu về công bố thông tin đối với các tổ chức phát hành TPDN. Cụ thể, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định, các tổ chức phát hành phải công bố một số chỉ tiêu tài chính trong 3 năm gần nhất như tình hình trả nợ, hay các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư, hoạt động sản xuất. Các quy định mới này sẽ giúp các NĐT có thêm những thông tin hữu ích để lựa chọn được các DN có tình hình tài chính lành mạnh, cũng như có các dự án khả thi trong tương lai.

Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, các quy định về công bố thông tin cần nâng cao hơn nữa. Theo đánh giá của FiinGroup, trong 9 tháng năm 2021 hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các DN chưa niêm yết, tức là các DN có mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin ở mức thấp. Hơn nữa, các DN này có mức độ rủi ro khá cao, khi tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá lớn. Tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu lên tới hơn 8,1 lần, trong khi con số này của các DN niêm yết chỉ hơn 2,5 lần.

Mặc dù, việc nâng cao mức độ công bố thông tin là cần thiết, nhưng cũng cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng, hợp lý, đồng thời tính tới tốc độ huy động và nhu cầu vốn của nền kinh tế. Việc nâng cao các chuẩn mực quá nhanh có thể khiến nhiều DN chưa kịp đáp ứng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển. Tuy nhiên, nếu các yêu cầu về công bố thông tin không được nâng cao, thị trường TPDN sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nếu tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến đổ vỡ.

Ngoài ra, để đảm bảo các yêu cầu về công bố thông tin được thực thi, các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm cũng cần có tính răn đe cao. Vừa qua, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đã bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt đối với các vi phạm, chẳng hạn về việc lựa chọn NĐT tham gia mua TPDN riêng lẻ không đúng đối tượng theo quy định. Tuy nhiên, về tổng thể, các chế tài xử phạt hiện nay trong lĩnh vực chứng khoán chưa có tính răn đe cao. Hiện chỉ có các vi phạm về giao dịch nội gián và thao túng thị trường có mức phạt gấp nhiều lần so với mức độ trục lợi của người vi phạm, còn mức phạt đối với đa số các vi phạm khác, bao gồm các vi phạm về công bố thông tin, thường không theo mức độ trục lợi mà là mức phạt có trần tối đa.

Thứ hai, bên cạnh các yêu cầu về công bố thông tin, các cơ quan quản lý cũng cần ban hành các quy định về an toàn tài chính đối với các DN phát hành trái phiếu. Việc Trung Quốc ban hành “3 lằn ranh đỏ” để quản lý các DN BĐS là kinh nghiệm cần tham khảo để áp dụng cho Việt Nam. Các quy định về an toàn tài chính cần ban hành sớm, tránh trường hợp khi phần lớn các DN phát hành trái phiếu rơi vào tình trạng nợ quá nhiều rồi mới ban hành các quy định. Lúc đó, việc hạ tỷ trọng đòn bẩy tài chính có thể dẫn đến những đổ vỡ như trường hợp Evergrande của Trung Quốc.

Thứ ba, nhằm giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong việc mua hay bảo lãnh TPDN, cần tạo ra nhiều sản phẩm để từ đó thu hút các NĐT cá nhân tham gia trên cơ sở đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro. Thị trường TPDN chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các TPDN cá nhân. Tuy nhiên, đây lại là các đối tượng chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Để thu hút các đối tượng này tham gia thị trường, đồng thời đảm bảo kiểm soát được rủi ro, bên cạnh các quy định về công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định về an toàn tài chính đối với các chủ thể phát hành, sự phát triển của các sản phẩm tài chính vừa có mức lãi suất hấp dẫn, vừa có mức độ rủi ro hợp lý đóng vai trò rất quan trọng. Nếu các tổ chức tài chính có thể gom các trái phiếu đơn lẻ của nhiều DN thuộc nhiều ngành nghề khác nhau để tổng hợp thành một trái phiếu duy nhất, tức là trái phiếu tổng hợp, thì mức độ rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều, trong khi lợi tức vẫn hấp dẫn.

Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm trên, điều kiện tiên quyết là các cơ quan quản lý phải có cái nhìn thông thoáng, theo kịp được những diễn biến trên thị trường để ban hành các quy định quản lý phù hợp, kịp thời, tránh tình trạng không quản được thì cấm. Chẳng hạn như các hạn chế tham gia mua trái phiếu phát hành riêng lẻ đối với NĐT cá nhân, mặc dù có thể hạn chế rủi ro cho các NĐT, nhưng cũng cản trở sự tham gia của họ nói riêng và sự phát triển của thị trường nói chung.

Thứ tư, để phát triển bền vững thị trường TPDN cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các DN phát hành tham gia xếp hạng tín nhiệm. Các công ty xếp hạng tín nhiệm là một trong những cấu thành quan trọng của thị trường, giúp các NDT  phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa các thông tin được công bố với chi phí thấp, từ đó giảm thiểu được các rủi ro. Tuy nhiên, cũng cần có các quy định điều tiết để đảm bảo các công ty xếp hạng tín nhiệm có đủ năng lực về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, hạn chế việc các công ty xếp hạng tín nhiệm bị thao túng, làm méo mó thị trường, dẫn đến đánh giá sai các rủi ro, gây mất an toàn tài chính cũng như ổn định vĩ mô.

Thứ năm, để thị trường TPDN phát triển thực chất và bền vững, cần có những giới hạn về quy mô và cơ cấu trái phiếu mà các NHTM có thể nắm giữ, cũng như bảo lãnh, hạn chế tình trạng các doanh nghiệp và NHTM cấu kết với nhau để đảo nợ.

Thứ sáu, việc đưa các TPDN lên sàn giao dịch cũng là một giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường TPDN. Các sàn giao dịch sẽ khiến trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn nhờ tính thanh khoản cao, các NĐT sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong các quyết định mua, bán hay nắm giữ trái phiếu. Hơn nữa, trong trường hợp có biến cố đối với trái phiếu, các thiệt hại có thể được san sẻ cho nhiều người.

(") Trích bài viết "Phát huy vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp” của TS. Nguyễn Đức Độ trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 12/2021.