Thị trường chứng khoán tuần mới:

Large Cap có trở thành điểm tựa?

PV.

Các chỉ số thị trường chứng khoán tuần qua (03/9-07/9/2018) đồng loạt giảm điểm. VN-Index kết thúc tuần giảm 2,09% đạt 968,90 điểm; HNX-Index đóng cửa tuần giảm 0,97% dừng tại 111,70 điểm. Bước sang tuần mới thị trường sẽ diễn biến ra sao?

Khả năng dẫn dắt của nhóm Large Cap sẽ tiếp tục trở thành điểm tựa lớn nhất cho xu hướng hồi phục trên thị trường trong tuần mới . Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khả năng dẫn dắt của nhóm Large Cap sẽ tiếp tục trở thành điểm tựa lớn nhất cho xu hướng hồi phục trên thị trường trong tuần mới . Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt sụt giảm. Khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt hơn 157 triệu đơn vị/phiên, giảm 1,83% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 40,59 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 1,18%. Xu hướng điều chỉnh chiếm ưu thế lớn trên thị trường trong tuần qua.

Theo phân tích của VietStock, tâm lý chốt lời tại ngưỡng 1.000 điểm của VN-Index đã thúc đẩy hoạt động bán diễn ra với cường độ cao trên thị trường. Sắc đỏ chiếm ưu thế ở các nhóm cổ phiếu với thanh khoản ở mức cao cho thấy sức nặng từ lực cung là rất lớn trong tuần qua.

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn (Large Cap) chính là tâm điểm hướng đến của dòng tiền chốt lời. VNM, VIC, VRE, VHM, GAS, PLX… và cả nhóm ngân hàng với VCB, CTG, BID, VPB… đồng loạt chịu áp lực bán đeo bám quyết liệt và hình thành các phiên giảm điểm mạnh.

Các chỉ số thị trường, đặc biệt là VN-Index thiếu vắng hoàn toàn bệ đỡ và lùi sâu khỏi ngưỡng 1.000 điểm. Trong chiều giá giảm của thị trường, thanh khoản thị trường duy trì sự sôi động khi cả hai bên mua bán đều giao dịch mạnh. Giá trị khớp lệnh hai sàn đạt trung bình 4.334 tỷ đồng trong hai phiên lao dốc đầu tuần cho thấy lực cầu bắt đáy theo chiều giá giảm diễn ra rất sôi động.

Tuy nhiên, VietStock cho rằng, hiệu ứng tích cực đã không xuất hiện khi sức ép từ bên bán có sự vượt trội đáng kể. Khi tiền giải ngân với giá trị lớn nhưng không thể hấp thụ hoàn toàn kỳ vọng chốt lời, tâm lý e ngại đã gia tăng trở lại và kéo theo nhịp lao dốc trong phiên ngày 06/09. Thanh khoản sụt giảm mạnh và kéo theo mức khớp lệnh thấp nhất trong vòng 09 phiên giao dịch trên sàn HOSE.

Nhóm Large Cap tiếp tục bị bán mạnh trong phiên giao dịch này khi dòng tiền thông minh đã hoàn toàn đứng ngoài thị trường. Cơ hội giải ngân chỉ mang tính đơn lẻ ở một vài cổ phiếu như: TCM, GIL, SBT, TTF, VOS, OGC, HVG…

Phiên cuối tuần, diễn biến thị trường đã “dễ thở” hơn khi sức ép từ bên bán suy giảm và mở đường thuận lợi cho khả năng hồi phục của dòng tiền. Dẫn đầu cho xu hướng hồi phục là “đầu tàu” VNM với sức bật mạnh mẽ.

Sự vững vàng của VNM đã tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường và kéo theo sự hồi sinh của các trụ lớn khác như: VCB, BID, CTG, HPG, TCB, PLX… Sắc xanh cũng chiếm ưu thế trên toàn thị trường và thúc đẩy sự cải thiện của thanh khoản thị trường trong phiên cuối tuần.

Khối ngoại là một trong các rào cản lớn của thị trường trong tuần qua khi đều đặn duy trì hoạt động bán ròng. Với tâm điểm giao dịch hướng đến nhóm Bluechip, hoạt động bán ròng đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động hấp thụ cung của dòng tiền trong nước. Điểm tích cực là hoạt động mua ròng của khối ngoại đã xuất hiện trở lại khi thị trường hồi phục vững chắc hơn trong phiên cuối tuần..

Áp lực bán đã gia tăng mạnh hơn trên thị trường trong tuần qua. Việc VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm đã thúc đẩy hoạt động chốt lời ở nhóm Large Cap và kéo VNIndex lùi sâu. Vn-Index theo đó đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng qua 07 tuần liên tiếp. Điểm gây lo ngại nhất trong chuỗi điều chỉnh của tuần qua đến từ khả năng hấp thụ cung chưa tìm được sự cân bằng với sức ép chốt lời.

Tiền mạnh là điều cần thiết trong các nhịp điều chỉnh nhưng nếu tình thế không thể đảo chiều thì ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường sẽ gia tăng nhanh chóng hơn trong các giai đoạn sau đó.

Tâm lý đầu tư của dòng tiền hiện tại vẫn chưa thoát khỏi các nhịp sinh lời ngắn hạn. Phiên cuối tuần qua đã cởi bỏ phần nào sức ép tâm lý lên nhà đầu tư. Nổi bật nhất là khả năng dẫn dắt của nhóm trụ được tái khởi động. Trụ mạnh nhất là VNM tạo sức lan tỏa lên nhóm ngân hàng, dầu khí và các Large Cap lớn khác.

Sức cầu đã gia tăng cần thiết khi phần lớn cổ phiếu dẫn dắt đang hướng nhanh về các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn. Độ rộng toàn thị trường cũng tích cực hơn khi hiệu ứng của nhóm Large Cap lên tâm lý giới đầu tư đạt hiệu quả cao. Khả năng dẫn dắt của nhóm Large Cap sẽ là nhân tố quan trọng nhất trong việc nối dài xu hướng hồi phục trên thị trường.

Theo VietStock, phiên hồi phục cuối tuần chưa thể xóa nhòa các rủi ro điều chỉnh hiện hữu. Thanh khoản chưa có sự tăng trưởng cần thiết, dòng tiền hướng chủ đạo vào nhóm trụ. Dòng tiền thông minh đứng ngoài thị trường và khối ngoại vẫn luôn để lại sự lo ngại dù đã mua ròng trở lại.

Nhịp hồi phục mang nặng tính kỹ thuật và do đó hoạt động giải ngân cuốn theo các nhịp tăng vẫn cần sự quản trị rủi ro chặt chẽ. Thị trường cũng đón nhận những thông tin có ảnh hưởng lên thị trường trong phiên cuối tuần.

Theo công bố chính thức của FTSE, VHM và GEX được bổ sung vào FTSE Vietnam Index trong đợt tái cơ cấu danh mục quý III/2018 và BMP là cổ phiếu duy nhất bị loại khỏi danh mục.

Riêng VHM dự kiến sẽ được khối ngoại mua ròng với khối lượng lớn. Cổ phiếu này cũng là một trong những trụ lớn của thị trường. Yếu tố này sẽ góp phần gia tăng sức mạnh dẫn dắt của nhóm Large Cap.

Như vậy, khả năng dẫn dắt của nhóm Large Cap sẽ tiếp tục trở thành điểm tựa lớn nhất cho xu hướng hồi phục trên thị trường trong tuần mới (10/09-14/09/2018). Tuy vậy, sức mạnh của xu hướng hồi phục chưa cao khi thị trường thiếu vắng sự đồng thuận từ dòng tiền. Do đó, các hoạt động giải ngân vẫn cần sự quản trị rủi ro chặt chẽ trong tuần giao dịch tới.