Nhận định chứng khoán tuần này: Rủi ro hệ thống vẫn duy trì ở mức cao

Theo Văn Giáp/Bnews.vn

Rủi ro hệ thống vẫn duy trì ở mức cao khi VN Index tiếp cận vùng đáy cũ tháng 10/2018 (vùng 880-890 điểm).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Với việc dòng tiền yếu và tuần tới thị trường tiếp tục đối diện với khoảng trống thông tin, khối ngoại bán ròng hàng nghìn tỷ đồng, cùng với giá dầu tiếp tục đi xuống… có thể khiến tâm lý của nhà đầu tư càng trở nên thận trọng. Đây là những nguyên nhân cản trở thị trường chứng khoán hồi phục trong tuần tới.

Kết thúc tuần giao dịch (từ 12-16/11), VN - Index giảm 16,1 điểm xuống 898,19 điểm; HNX - Index giảm 0,002 điểm xuống 103,01 điểm.

Giới phân tích cho rằng, tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm, điều này thể hiện ở việc, mặc dù thanh khoản được cải thiện đôi chút nhưng vẫn duy trì ở mức thấp với chỉ khoảng gần 3.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 4,9% lên 14.976 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 0,2% lên 705 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 6,3% lên 2.424 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 182 triệu cổ phiếu.

Giới phân tích cho rằng, không có nhiều thông tin vĩ mô ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong thời gian tới, nhưng nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ vì đây là yếu tố có tác động nhất định đến thị trường trong nước.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ chứng kiến ba phiên giảm liên tiếp, với ba chỉ số chính có lúc xuống mức thấp nhất kể từ tháng Mười, do tâm lý lo ngại của giới đầu tư và sự sụt giảm giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn.

Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,61%, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 2,22%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 2,15%.

Nếu xét riêng phiên giao dịch cuối tuần (16/11), chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều đi lên sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Ngày 16/11, Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận để "tháo ngòi" căng thẳng thương mại, vì vậy ông có thể không cần áp đặt thêm các khoản thuế nhập khẩu. Trả lời báo giới, ông Trump cho hay Trung Quốc muốn có một thỏa thuận và họ đã gửi một danh sách những điều họ sẵn lòng thực hiện.

Mặc dù không nói rõ cụ thể, song nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ tin tưởng những hạng mục này sẽ được đề cập và giải quyết trong bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc, tỏ ý lạc quan về một thỏa thuận để thực hiện giao thương "có đi có lại".

Theo nhà phân tích Peter Cardillo của Spartan Capital, thị trường chứng khoán Mỹ có thể chứng kiến mức tăng mạnh vào cuối năm nay, nếu các nhà đầu tư tin tưởng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết và giá dầu tiếp tục phục hồi.

Tuy nhiên, những thông tin này đã tác động tức thì, giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào phiên cuối tuần. Trong khí đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhẹ vào phiên này, theo đó chỉ số VN Index chỉ nhích được 0,16% (kết phiên 16/11).

Có lẽ thông tin này cũng sẽ không còn có ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần tới và ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam càng ít hơn.

Rõ ràng thị trường đang phải đối diện với khoảng trống thông tin. Tuần tới, chưa có thông tin nào tích cực có thể giúp thị trường bật tăng mạnh.
Diễn biến giao dịch cho thấy, Chỉ số VN Index quay trở lại vùng đáy cũ (từ 880 -900 điểm), nhưng lực cầu rất yếu do nhà đầu tư hiện đang rất thận trọng trong giao dịch.

Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hàng nghìn tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.222 tỷ đồng trên cả hai sàn. Theo đó, trên HOSE nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.124 tỷ đồng và trên HNX là hơn 19,5 tỷ đồng.

Xét về diễn biến nội tại của thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng có vẻ như tích cực nhất khi phiên cuối tuần có sự hồi phục ấn tượng. Nhưng tính chung cả tuần thì nhóm ngân hàng có mức giảm rất mạnh với hầu hết các mã cổ phiếu quan trọng đều giảm giá như: VCB giảm 2%, CTG (2,9%), VPB (0,2%), HDB (8,7%), ACB (0,7%), SHB (1,3%), LPB (2,2%)...

Nếu nhìn vào diễn biến riêng lẻ của nhóm ngân hàng trong phiên giao dịch cuối tuần thì có thể thấy, khi các mã cổ phiếu ngân hàng tăng đến vùng giá cao cũng là lúc áp lực bán tăng mạnh, đã kéo giảm đà tăng của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng. Chỉ còn 2 mã cổ phiếu là HDB và VPB vẫn giữ được mức tăng trần trong phiên giao dịch cuối tuần.

Thực tế là với mức giảm giá rất mạnh trước đó của những mã cổ phiếu ngân hàng đã kích hoạt tâm lý bắt đáy của giới đầu tư. Nhưng việc này có diễn biến kéo dài hay không thì chưa thể chắc chắn khi mà chỉ số VN Index vẫn “lình xình” quanh mốc tâm lý nhạy cảm 900 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm tích cực nhất trong tuần giao dịch qua với: GAS tăng 3,2%, PVB tăng 1,3%, PVD tăng 3%, PVS tăng 7,3%, PVC tăng 5,5%,....

Diễn biến nhóm dầu khí khá tương đồng với diễn biến của giá dầu thế giới. Khi giá dầu thế giới chấm dứt chuỗi giảm sâu vào ngày 14/11 thì cũng là lúc cổ phiếu dầu khí phục hồi.

Thực tế, cổ phiếu dầu khí thường diễn biến theo giá dầu thế giới, nhưng giá dầu thế giới cũng diễn biến khá thất thường theo nhu cầu dầu mỏ của thế giới và chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Theo số liệu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), giá dầu đã mất 25% giá trị chỉ trong sáu tuần do sức ép từ khả năng kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và sản lượng dầu tại Mỹ cũng như một số nước khác gia tăng. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.

Dự kiến, các bộ trưởng OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 6/12 tới để quyết định về chính sách sản lượng trong sáu tháng tới. Trong khi OPEC đang rục rịch cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, phía Nga phát đi tín hiệu trái chiều về vấn đề này khi Giám đốc điều hành Vagit Alekperov của Lukoil ngày 12/11 nói rằng ông không thấy việc cắt giảm sản lượng là cần thiết.

Một yếu tố tác động rất lớn lên VN Index khiến chỉ số này giảm mạnh là do 2 mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường là VIC và VHM lao dốc trong tuần qua; trong đó, VIC giảm tới 6,32% và VHM cũng chẳng kém cạnh khi giảm 6,05%.

Đặc biệt, cổ phiếu VIC còn bị khối ngoại bán ròng rất mạnh đạt tới 653 tỷ đồng và có một lượng lớn được khối này thực hiện giao dịch thông qua phương thức thỏa thuận.

Diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không mấy tích cực khi các mã vốn hóa lớn nhất, nhì nhóm này đang suy yếu, cùng với đó là thanh khoản rất thấp và khối ngoại bán ròng mạnh. Đây là những khó khăn cản trở đà phục hồi của thị trường chung.

Dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, hiện tại tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất thận trọng và thị trường còn rất nhiều rủi ro giảm điểm.

Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, rủi ro hệ thống vẫn duy trì ở mức cao khi VN Index tiếp cận vùng đáy cũ tháng 10/2018 (vùng 880-890 điểm). Trong khung thời gian lớn, xu hướng điều chỉnh vẫn chiếm ưu thế.

KIS khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chờ đợi sự ổn định của thị trường trước khi hành động.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC nhận định: “Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đó sự thận trọng và lo ngại về khả năng giảm điểm của thị trường trong ngắn hạn. Lực cầu giá thấp đã nhen nhóm ở một số nhóm cổ phiếu giảm mạnh như ngân hàng, thép… giúp cho các cổ phiếu này hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây nhiều khả năng chỉ là diễn biến hồi phục ngắn hạn và mang tính kỹ thuật.”

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 19 - 23/11), VN - Index có thể sẽ tiếp tục kiểm tra lại vùng hỗ trợ 880 - 900 điểm vào đầu tuần và dần hồi phục về cuối tuần. Tuy nhiên, theo SHS, dù có hồi phục thì đây cũng chỉ là nhịp hồi trong một xu hướng giảm.