Tín dụng giảm tốc không làm mất động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng

Theo Thanh Thủy/ndh.vn

SSI Research dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt 41,5% trong năm 2018. Từ đỉnh 2018, lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm tốc với mức tăng trưởng năm 2019 dự báo còn 24,6%.

SSI Research dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt 41,5% trong năm 2018. Nguồn: Internet
SSI Research dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt 41,5% trong năm 2018. Nguồn: Internet

Tín dụng/GDP có thể tăng lên 138% cuối năm 2018

Con số tăng trưởng tín dụng đến 31/5 theo chia sẻ mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên 6,16%. Tín dụng tăng trưởng bình quân 17-18% trong 4 năm liên tiếp (2015-2018). Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng tín dụng/GDP cuối năm 2017 đạt 130%. SSI Research dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 138% vào cuối năm 2018.

"Tăng trưởng tín dụng bắt đầu chậm lại sẽ tốt hơn cho nền kinh tế", báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của công ty chứng khoán nhận định.

Theo bộ phận phân tích của SSI, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục tăng nhờ sự ổn định của kinh tế vĩ mô (lạm phát hai năm tới vẫn thấp hơn ngưỡng 5% quan trọng) và đà tăng của tỷ giá được kìm hãm quanh mức 1-2% nhờ FDI và kiều hối.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành đang hạn chế cấp tín dụng đầu tư vào các tài sản đầu cơ . Thông tư 41 với các tiêu chuẩn tương tự Hiệp ước Basel II sẽ có hiệu lực vào năm 2020 cũng sẽ hạn chế ngân hàng cho vay vào lĩnh vực rủi ro và yêu cầu các ngân hàng tăng nguồn vốn tự có. Sự chậm trễ trong hoạt động tăng vốn cản trở tăng trưởng tín dụng, nhất là các ngân hàng lớn.

Do vậy, SSI Research kỳ vọng tín dụng trong năm 2019 chỉ tăng khoảng 15-16%, tập trung vào các khoản vay liên quan đến sản xuất đặc biệt là trong lĩnh vực ưu tiên và cho vay tiêu dùng. Dù tổng tín dụng có giảm tốc, tín dụng tiêu dùng và tín dụng ngoại tệ vẫn giữ đà tăng trưởng hai năm tới.

Hơn một nửa trong các khoản cho vay tiêu dùng là cho vay thế chấp với các sản phẩm nhà, xe ô tô. Nhờ cơ cấu dân số vàng, sự gia tăng nhanh chóng của thu nhập và xu hướng chuyển sang đi vay để phục vụ nhu cầu nhà ở, tín dụng lĩnh vực này tăng 78% cùng kỳ và được dự báo sẽ tiếp tụng tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và 2019.

Dù rủi ro tỷ giá hối đoái tiếp tục chiếm ưu thế khi USD tăng giá nhưng xu hướng tăng theo SSI Research vẫn không ảnh hưởng. Bởi phần lớn các khoản vay bằng USD được đảm bảo qua doanh thu xuất khẩu bằng USD. Đến cuối tháng 5/2018, tín dụng ngoại tệ tăng 8,37%. Các khoản vay bằng ngoại tệ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao hơn mức trung bình của ngành hai năm tới đây.

Động lực từ cải thiện NIM

Theo dự báo của SSI Research, tỷ lệ NIM ngành ngân hàng được cải thiện trong năm 2018 và tăng 18,5% vào năm 2019.

SSI Research dự báo lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ ổn định đối với các doanh nghiệp nhưng sẽ tăng đối với nhóm khách hàng cá nhân nhất là với các khoản vay thế chấp kỳ hạn dài. Bởi lãi suất cho vay thường cố định một vài năm đầu và thả nổi các năm tiếp theo. Đây sẽ là một trong các yếu tố chính giúp cải thiện hệ số NIM các năm tới. NIM cũng sẽ gia tăng khi các ngân hàng cũng cho vay tiêu dùng nhiều hơn.

Nợ trung dài hạn cũng có khả năng tăng khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn toàn ngành chỉ ở mức 30,7% vào cuối năm 2017. Mức giới hạn mà các ngân hàng phải tuân thủ tại thời điểm cuối năm 2018 là 40% thay vì 45% như hiện tại. Với dự báo CPI tăng lần lượt 4,3% và 4,7% trong 2 năm tới cùng tỷ lệ bình quân giữ khoảng cách khá an toàn so với mức giới hạn, nhiều ngân hàng vẫn có cơ hội nợ trung và dài hạn. Đây vốn là các khoản cho vay có tỷ suất lợi nhuận cao hơn

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ vẫn có thể giữ ở mức thấp trong năm tới khi ngành bảo hiểm tăng trưởng mạnh và nhu cầu mua trái phiếu chính phủ của các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn sẽ cao.

Dù tín dụng nhiều khả năng sẽ giảm tốc nhưng đóng góp từ biến số NIM vẫn sẽ giúp thu nhập lãi của nhóm các ngân hàng niêm yết giữ được mức tăng trưởng cao. SSI Research dự kiến thu nhập lãi tăng 24,2% mang về 149.498 tỷ đồng cho nhóm 11 ngân hàng đang giao dịch trên sàn trong năm 2018. Mức tăng trưởng năm 2019 khiêm tốn hơn, chỉ còn 18,3%.

Trong đó, HDBank và VPBbank – hai ngân hàng đang có lợi thế trong phát triển cho vay tiêu dùng được dự báo tăng trưởng nguồn thu này lần lượt ở mức 42,9%% và 31%. Tốc độ tăng thu nhập lãi thuần của Vietcombank dù thấp nhất về số tương đối nhưng dự kiến cũng tăng thêm 2.800 tỷ đồng.

Tín dụng giảm tốc không làm mất động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng - Ảnh 1
Dự báo tăng trưởng thu nhập lãi ngành ngân hàng vẫn cao hai năm tới
Nguồn: SSI Institution Research

Thu nhập ngoài lãi nhóm ngân hàng niêm yết dự kiến tăng 28,5%

Không bị giới hạn room như tín dụng, nguồn thu nhập ngoài lại có thể trở thành động lực tăng trưởng đáng chú ý của các ngân hàng. SSI Research dự báo tăng trưởng thu nhập ngoài lãi sẽ đạt 28,5% trong năm 2018 và 11,1% trong năm 2019, trong đó đóng góp đáng kể là tăng trưởng phí hoa hồng từ bancassurance, nguồn thu ổn định nhờ thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý, hoạt động thanh toán, bảo lãnh, thẻ tín dụng...

Tín dụng giảm tốc không làm mất động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng - Ảnh 2
Dự báo thu nhập ngoài lãi ngành ngân hàng hai năm tới
Nguồn: SSI Institution Research

Phí bảo hiểm bancassurance do đó được SSI Research dự báo sẽ tăng trưởng 30-40% trong những năm tới, và tỷ lệ phí bảo hiểm kiếm được thông qua banca sẽ tăng lên 12% vào năm 2018 và 14% vào năm 2019. Phí bảo hiểm thông qua kênh này đã tăng lên khoảng 10% vào cuối năm 2017 từ mức 1% trong năm 2013. Nhưng con số trên vẫn thấp so với 30-50% được chứng kiến ở các nước trong khu vực.

Tính đến nay, 18/ 29 công ty bảo hiểm nhân thọ và 9/14 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang tận dụng bancassurance để mở rộng mạng lưới. Các hợp đồng bảo hiểm giữa ngân hàng và các đối tác bảo hiểm trở thành làn sóng đáng chú ý trong năm 2017 -2018 đã mang đến một số khoản thu nhập bất thường cho nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank,...

Thu nhập từ kinh doanh chứng khoán năm 2018 cũng tiếp tục hiện thức hóa từ một phần lớn danh mục đầu tư trái phiếu. SSI Research cũng nhấn mạnh nguồn thu này sẽ không còn tăng nhiều trong năm 2019. Trong khi, thu nhập từ thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý sẽ vẫn tích cực trong 2 năm tới nhờ các quy định ban hành đối với việc xử lý nợ xấu.

Đồng thời với việc xử lý nợ xấu thời gian trước, nợ xấu mới chắc chắn sẽ tiếp tục hình thành. Nhưng thay vì liên quan đến các hoạt động đầu cơ, doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả… nợ xấu giai đoạn này sẽ chủ yếu liên quan để đầu tư tư nhân và tiêu dùng hộ gia đình. Nợ xấu do đó sẽ cao hơn tại nhóm ngân hàng đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng nhưng cũng sẽ thấp tại các nhà băng đưa ra tiêu chuẩn cao về cho vay đối với nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành dù sẽ cao hơn, nhưng vẫn nằm trong khoảng 3%.

Tín dụng giảm tốc không làm mất động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng - Ảnh 3
Hơn 3.400 tỷ đồng thu hồi nợ xấu đã xử lý trong quý I/2018
Nguồn: SSI Institution Research

SSI Research dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể đạt 41,5% trong năm 2018. Từ đỉnh 2018, lợi nhuận của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm tốc với mức tăng trưởng năm 2019 dự báo còn 24,6%. Một số ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức tăng trưởng cao đặc biệt khi bài toán tăng vốn được giải quyết.

Tín dụng giảm tốc không làm mất động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng - Ảnh 4
Dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán
Nguồn: SSI Institution Research